Hà Nội với vị thế Thủ đô đất nước, mang trong mình rất nhiều di sản, trong đó những công trình kiến trúc là khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Tuy nhiên, việc khai thác di sản kiến trúc, biến thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn hài hòa trong công tác bảo tồn là vấn đề đang được đặt ra…
Bắc Bộ Phủ, nay là Nhà khách Chính phủ lần đầu mở cửa đón khách tham quan trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Lê Minh.
Đã xuất hiện tour di sản sáng tạo
Từ ngày 2/1, quận Hoàn Kiếm chính thức thu phí tham quan 2 điểm di tích tiêu biểu Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây và di tích số 22 phố Hàng Buồm với mức thu phí là 20.000 đồng/lượt/khách.
Ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây là một trong những di tích mang kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa, được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, tổng diện tích 157,6m2. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Còn di tích số 22 phố Hàng Buồm cũng là một điểm di tích có kiến trúc độc đáo với diện tích 1.670m2. Công trình này thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa Đông - Tây với nhiều hạng mục kiến trúc khác nhau, tạo nên một chỉnh thể kiến trúc độc đáo.
Những ngày qua, rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan đã bày tỏ sự thích thú với những với giá trị kiến trúc của 2 di tích này, đặc biệt với di tích 22 phố Hàng Buồm. Giữa con phố đông đúc, nhộn nhịp nhưng chỉ cần qua vài bước chân là có thể chạm vào một không gian kiến trúc mà người ta cảm giác như đang lạc bước vào một nhà thờ phương Tây với các tòa nhà vừa có giếng trời để lấy ánh sáng, lưu thông không khí, vừa có đường dạo hai bên tạo sự thoáng đãng.
Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử; trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các công trình này được mở cửa thường xuyên như một bảo tàng sống thì lợi ích mang lại là rất lớn, không chỉ để người dân được tiếp cận với giáo dục nghệ thuật thông qua các công trình di sản mà còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi vậy, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, lần đầu tiên các đơn vị lữ hành đã thí điểm bán tour sáng tạo kết nối công trình di sản từng được coi là biểu tượng lịch sử văn hóa Thủ đô. Những công trình di sản như tòa nhà Bắc Bộ Phủ với lịch sử 102 tuổi, nằm đối diện tòa nhà là đài phun nước Con Cóc 120 năm tuổi; Nhà hát Lớn; Đại học Tổng hợp (xưa là Đại học Đông Dương) được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard (1875 - 1933); Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (xưa là Viện Viễn Đông Bác cổ)… được tạo thành “tour di sản sáng tạo”, chuyển tải giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của các di sản, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nhiều người sau khi đến Lễ hội đã choáng ngợp trước những công trình kiến trúc đồ sộ lần đầu tiên họ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu.
Bắc Bộ Phủ, nay là Nhà khách Chính phủ - công trình lịch sử hơn 100 năm tại Thủ đô. Ảnh: Lê Minh.
Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Có thể khẳng định, Hà Nội rất giàu có về di sản, trong đó có di sản kiến trúc. Tuy nhiên, ngoài việc đánh giá cao vai trò của di sản kiến trúc trong thành phố, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đặt ra những câu hỏi đầy trăn trở về tính bền vững của các sáng tạo đang được tạo ra trong lòng các di sản kiến trúc. KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam băn khoăn: “Công nghiệp sáng tạo đang trở thành động lực, nhân tố chính trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, làm sao để việc phát huy di sản có tính chiến lược?”.
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, vừa qua, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Ban Tổ chức đã rất nỗ lực trong việc kết nối các công trình có giá trị thành điểm tham quan và kết nối các trục di sản để người dân dễ dàng tiếp cận. Những công trình này có thể đã được xếp hạng di tích hoặc chưa, nhưng đều mang giá trị nhất định. Thông qua sự kiện, rõ ràng công chúng có cơ hội nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của các công trình này trong cuộc sống đương đại.
Đối với những công trình chưa được xếp hạng di tích, việc mở cửa tham quan không chỉ giúp công chúng mà còn cả chuyên gia và những người làm công tác bảo tồn đánh giá đúng và đủ sự quan tâm của xã hội. Đây là cơ sở để các cấp quản lý, chính quyền thành phố xây dựng chính sách phù hợp nhằm khai thác và phát huy giá trị các công trình này.
Du khách mua vé tham quan Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân cũng cho rằng, để mở cửa cho công chúng tham quan, cần có cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và chủ sở hữu. Trong đó, cần cân bằng quyền lợi và trách nhiệm. Ở nước ngoài, cơ chế 3 bên gồm chủ sở hữu, cấp ngành liên quan (như du lịch, văn hóa) và nhà nước đã thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. “Các khối doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào quá trình này. Khi có cơ chế tốt, quyền lợi và trách nhiệm được phân định rõ ràng, di sản sẽ được phát huy tốt trong đời sống, giúp công chúng nhận ra tầm quan trọng của chúng. Điều này cũng đảm bảo di sản không bị lãng quên hoặc phá hủy” - ông Tuân nói.
Đồng quan điểm, TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng, di sản kiến trúc không chỉ ghi lại dấu ấn lịch sử và sự phát triển của đất nước, mà còn là tài nguyên văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các di tích kiến trúc tại Hà Nội rất đa dạng về loại hình và cấp độ, đòi hỏi các phương pháp quản lý, bảo tồn và khai thác khác nhau.
“Hiện nay, một số di sản chưa được xếp hạng nhưng có giá trị cần được tiếp tục phân loại, xếp hạng và đánh giá chính thức. Dựa trên đó, các bước khai thác và phát huy giá trị cần được thực hiện hợp lý. Những công trình có giá trị cao cần được giữ gìn nguyên trạng theo nguyên tắc thận trọng nhất. Còn các công trình có giá trị từng phần có thể được khai thác cho các công năng hiện tại, phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc du lịch” - TS.KTS Trương Ngọc Lân cho hay.
Từ khi Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới vào năm 2019, đến nay, thành phố đã và đang từng bước chuyển động theo hướng “Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”. Việc phát huy giá trị di sản không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của di sản trong đời sống hiện đại.
Những “thỏi nam châm” hút khách du lịch Quận Hoàn Kiếm được coi là trung tâm văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội với nhiều công trình kiến trúc có giá trị trải qua các thời kỳ lịch sử. Những công trình này không chỉ phản ánh dấu ấn kiến trúc đặc trưng của từng giai đoạn, mà còn mang trong mình câu chuyện về sự phát triển văn hóa, xã hội của Hà Nội.Các công trình như Nhà hát Lớn Hà Nội, cầu Long Biên, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa hay các biệt thự Pháp cổ tại khu phố cũ đều là những nhân chứng sống của một thời kỳ phát triển, vừa lưu giữ nét đẹp truyền thống, vừa là cầu nối với kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, việc mở cửa các công trình này cho khách tham quan đã góp phần tạo nên một không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp người dân và du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, cảm nhận giá trị văn hóa sâu sắc của Thủ đô.Về giá trị, các công trình này không chỉ là biểu tượng kiến trúc mà còn đóng vai trò giáo dục lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cũng là “thỏi nam châm” hút du khách, thúc đẩy du lịch văn hóa Thủ đô ngày càng phát triển. Nếu được khai thác bền vững và kết hợp với các hoạt động văn hóa, các công trình sẽ tiếp tục là điểm nhấn trong hành trình phát triển của Hà Nội, góp phần nâng cao vị thế của quận Hoàn Kiếm trong mắt du khách trong nước và quốc tế.Tuy nhiên, để bảo vệ và khai thác hiệu quả các di sản kiến trúc tại quận Hoàn Kiếm và Hà Nội, cần có chiến lược đồng bộ kết hợp giữa bảo tồn, sáng tạo và phát triển kinh tế. Trước tiên, cần bảo tồn nguyên trạng và kiểm soát quy hoạch để giữ được giá trị gốc của các công trình, đồng thời lập hồ sơ số hóa và ứng dụng công nghệ như VR/AR để tái hiện di sản một cách sinh động. Việc chuyển đổi công năng linh hoạt như biến các công trình thành bảo tàng, không gian nghệ thuật hoặc trung tâm sáng tạo giúp chúng phù hợp hơn với nhu cầu hiện đại.Ngoài ra, cần kết nối di sản với công nghiệp văn hóa như thời trang, ẩm thực và phim ảnh để tạo sức hút và phát triển kinh tế. Giáo dục cộng đồng và truyền thông đa phương tiện giúp nâng cao nhận thức về giá trị di sản, trong khi hợp tác công - tư và hợp tác quốc tế mở rộng nguồn lực bảo tồn và khai thác.Ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) |
V.Hà - P.Sỹ