Việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông… ở Hải Phòng trong thời gian gần đây không chỉ làm thu hẹp lòng sông, mà còn gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chủ quản, ngành chức năng và chính quyền địa phương để quản lý có hiệu quả.

Nhiều sức ép
Đa Độ là sông lớn nhất của thành phố Hải Phòng. Nguồn nước của sông phục vụ đa mục tiêu trong phát triển kinh tế xã hội như: cấp nước thô cho các nhà máy nước, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố và 5 quận, huyện: An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn. Ngoài ra, sông còn phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp; phòng chống lụt bão… Theo quy hoạch của thành phố đến năm 2020, hệ thống sông Đa Độ sẽ trở thành hồ điều hòa nước ngọt trung tâm của Hải Phòng.
Tuy nhiên, Theo Công ty TNHH một thành viên sông Đa Độ - đơn vị quản lý sông, thì trên hệ thống sông Đa Độ hiện có 120 cơ sở công nghiệp và 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ, gần 60 trạm y tế xã đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Đây là các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ.
Nguy hiểm nhất là nguồn chất thải nguy hại từ các nhà máy thép và 5 doanh nghiệp ở cụm công nghiệp đường 10, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão và 100 cơ sở chế biến, thu gom phế liệu tại phường Tràng Minh, quận Kiến An. Bên cạnh đó, hệ thống nước thải khu dân cư thị trấn Ruồn và Bệnh viện đa khoa An Lão; khu vực Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng; khu dân cư 2 bờ thị trấn Núi Đối (Kiến Thụy); khu vực bệnh viện Đa khoa Kiến Thụy xả nước thải xuống sông qua kênh cấp 1; nghĩa trang phường Tràng Minh (quận Kiến An)... Theo kết quả khảo sát mới đây của công ty TNHH một thành viên Đa Độ cho thấy, dọc hai bên bờ Đa Độ phát hiện hơn 500 trường hợp vi phạm xả thải ra nguồn nước của sông. Không chỉ bị ô nhiễm, lòng sông Đa Độ đang bị lấn chiếm tràn lan. Nhiều ví trí, lòng sông bị lấn chiếm mất gần nửa lòng sông.
Khẩn cấp bảo vệ
Để bảo vệ nguồn nước quan trọng trên sông Đa Độ, ngành chức năng, chính quyền sở tại và doanh nghiệp quản lý đã phối hợp bàn giải pháp xử lý. Trước mắt, triển khai cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông để bảo vệ lòng sông, chống lấn chiếm. Đối với các trường hợp xả chất thải, nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất dịch vụ gây ô nhiễm nguồn nước, căn cứ mức độ vi phạm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Công ty TNHH một thành viên Đa Độ cho biết sẽ thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, bảo vệ sông. Phối hợp với các địa phương có sông chảy qua tuyên truyền vận động người dân tam gia bảo vệ nguồn nước ngọt của sông. Đề nghị các địa phương tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, lấn chiếm, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước của sông. Theo ông Nguyễn Văn Chọn- Giám đốc, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đa Độ, về lâu dài, Thành phố Hải Phòng cần sớm triển khai quy hoạch sông Đa Độ thành hồ điều hòa nước ngọt. Có như vậy nguồn nước sông Đa Độ mới được bảo vệ hiệu quả.