Theo ông Đỗ Chiêu Quí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, tỉnh đang xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đặc trưng.
Chợ nổi Ngã Bảy (Ảnh: Internet)
Như Dự án bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn, có tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 11 tỷ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và nhiều hạng mục khác. Dự án nhằm đưa chợ nổi Ngã Bảy trở thành một trong những sản phẩm du lịch sông nước chủ lực của tỉnh, thu hút đông đảo du khách đến Hậu Giang.
Dự án Khu du lịch sinh thái Việt – Úc tại huyện Vị Thủy đã thực hiện xong giai đoạn tạo cảnh quan và nạo vét 14km lòng kênh; hoàn thành các hạng mục trồng 13ha cây ăn trái; hình thành vườn chim nhân tạo rộng gần 5ha, nuôi các loại động vật hoang dã và các loại thủy sản nước ngọt với diện tích 11ha. Dự kiến khu du lịch này sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2018. Đặc biệt, Hậu Giang đang xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới trên tuyến đường Vị Thanh – Cần Thơ. Với mô hình du lịch này, du khách vừa tham quan các vườn cây ăn trái vừa tự tay chăm sóc hoa màu, thu hoạch rau quả, trải nghiệm một ngày làm nông dân trên ruộng lúa, vườn cây; tham gia câu cá, giăng lưới, tát mương, thưởng thức các món ăn đặc sản của Hậu Giang. Đồng thời, ngành du lịch Hậu Giang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh có kế hoạch tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hậu Giang nhằm phục vụ nhu cầu tham quan du lịch như Di tích Đền thờ Bác Hồ, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Di tích lịch sử chiến thắng Chương Thiện, Di lích lịch sử chiến thắng Vàm Cái Sình. Cùng với nỗ lực của địa phương , Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ Hậu Giang 400 triệu đồng thực hiện dự án nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn. Các địa phương trong tỉnh đã bước đầu xây dựng và hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng để phục vụ khách du lịch tại vùng khóm Cầu Đúc, vùng quýt đường Long Trị, điểm du lịch nông nghiệp xã Vị Thanh. Ngoài ra, tỉnh cũng đã quy hoạch Khu du lịch sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân với diện tích 130ha gồm các khu chức năng như khu trung tâm, khu du lịch rừng tràm, khu vui chơi thư giãn, khu ẩm thực, vườn chim; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái với loại hình nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, giải trí, nghiên cứu khoa học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Tỉnh Hậu Giang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn sông nước đặc thù góp phần phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón 500 ngàn lượt du khách với doanh thu 200 tỷ đồng và đến năm 2030 sẽ đón 1,2 triệu lượt du khách với doanh thu trên 400 tỷ đồng.