Chuyển đến nội dung
Thứ 6, ngày 16/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Văn hoá, di sản
  • /
  • Hoa văn trên nóc nhà mồ Jrai Arap

Hoa văn trên nóc nhà mồ Jrai Arap

Cập nhật: 07/04/2023

Đến với khu nhà mồ Jrai Arap (chủ yếu tập trung ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), chúng ta không chỉ choáng ngợp trước “rừng tượng” với đủ mọi tư thế, kiểu dáng từ tĩnh đến động mà còn được chiêm ngắm những hoa văn đa dạng ngay trên nóc nhà mồ.

Nhà mồ là kiến trúc độc đáo trong văn hóa của người Jrai và nhiều dân tộc khác ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Nếu nhà rông được ví như trái tim của buôn làng, là nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng thì nhà mồ được xem là nơi hội tụ đầy đủ các sắc màu cuộc sống, là nơi biểu thị những giá trị nổi bật về nghệ thuật điêu khắc, âm nhạc, hội họa, thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân và những giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống cũng như trong quan niệm tâm linh.

Nhà mồ làm ra để phục vụ người đã khuất. Sau lễ bỏ mả, ngôi nhà mồ với bao công phu không còn được người nhà chăm lo bảo dưỡng, bỏ mặc cho mưa nắng cho đến khi toàn thể kiến trúc đó tiêu tan theo năm tháng. Phần lớn nhà mồ của người Jrai Arap được bố trí theo trục Bắc-Nam, 2 mái lợp ở hai phía Đông, Tây không trang trí hoa văn (trước đây mái được lợp bằng tranh, nay phần lớn được thay thế bằng tôn). Đường nóc là nơi tập trung nhiều nhất họa tiết hoa văn được chạm khắc thủ công thuần túy, lột tả cảnh quan, đời sống sinh hoạt và những đặc trưng trong văn hóa truyền thống vô cùng sinh động dưới bàn tay tài hoa của nghệ sĩ buôn làng.

Khi nói về tác phẩm “Tượng gỗ Tây Nguyên” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong, Giáo sư Nguyễn Từ Chi cho rằng, chỗ tập trung nhiều hoa văn nhất trên nhà ma cả Bahnar và Jrai là đường nóc (kok).

Nhà mồ người Jrai Arap ở làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) với điểm nhấn họa tiết trên nóc. Ảnh: Xuân Toản

Đường hoa văn gắn trên nóc nhà mồ (gọi là đường nóc) được làm bằng một thanh gỗ bản dẹp hoặc tôn có chiều cao khoảng 30-35 cm tùy theo quy mô của ngôi nhà mồ, chiều dài kéo từ đầu hồi phía Bắc đến đầu hồi phía Nam. Ở 2 đầu đường nóc, có nơi thì người ta chạm khắc 2 vòng tròn đục thủng ở giữa (tượng trưng cho mặt trời), bao quanh là những tia nhỏ (tượng trưng cho tia mặt trời).

Cũng có nhiều nhà mồ tạo hình ở 2 đầu đường nóc bằng biểu tượng uốn cong một đầu như những cánh tay vươn lên mạnh mẽ, biểu tượng này nhiều người cho rằng đó là hình tượng của ngọn cây rau dớn (kơtoanh), loại cây mọc nhiều ở các khe suối vùng Trường Sơn-Tây Nguyên và là loại nguyên liệu gắn liền với bữa ăn hàng ngày của các dân tộc ở Tây Nguyên. Còn có ý kiến cho rằng, biểu tượng đó là cánh tay của thần (Yàng) mang lại nhiều nguồn sức mạnh cho cộng đồng.

Trên đường nóc, hoa văn được bố trí theo dải với nhiều cụm có chủ đề khác nhau. Thông thường được bố trí theo số lẻ, 15 hoặc 17 cụm. Theo quan niệm của người Jrai, số lẻ là số may mắn, cũng như trong việc làm cầu thang nhà sàn, số lượng các bậc cầu thang thường là số lẻ. Hai cụm ở 2 đầu hồi khắc họa 2 cành lá sum suê uốn cong đối xứng nhau.

Trung tâm của dải hoa văn trên đường nóc là đồ án hoa văn miêu tả cảnh sinh hoạt với người đủ mọi tư thế: người đánh cồng chiêng, uống rượu cần, phụ nữ mang bầu, người địu con, cảnh lao động sản xuất và đặc biệt là hoa văn 2 người cưỡi trên lưng 2 con voi quay mặt về hai hướng khác nhau, đây được xem là biểu tượng sức mạnh của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.

Ngoài ra, trên đường nóc nhà mồ còn chạm khắc các họa tiết hoa văn hình tam giác, hình hoa 4 cánh, hoa 8 cánh. Một chi tiết khá mới đó là việc chạm khắc ngày tháng năm dựng nhà mồ lên trên đường nóc. Qua tư liệu hình ảnh trước những năm 2000 cho thấy, chi tiết này trước đây hầu như không được đề cập đến thì nay lại xuất hiện khá phổ biến trong các khu nhà mồ người Jrai Arap.

Tất cả họa tiết chạm khắc trên đường nóc nhà mồ đều mang tính ước lệ, giản lược, không đi vào miêu tả chi tiết, cặn kẽ thể hiện sự phóng khoáng và mang tính biểu tượng sâu sắc. Đây được coi là nơi tập trung tinh hoa và tài trí nghệ thuật điêu khắc của dân làng và thể hiện triết lý nhân văn sâu sắc trong quan niệm về sự sống và cái chết của người Jrai. Không chỉ là nơi thể hiện nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc, đường nóc gắn liền với không gian nhà mồ, với lễ bỏ mả còn phô diễn những giá trị đặc trưng khác về âm nhạc, múa, ẩm thực và những quan niệm về nhân sinh trong cuộc sống.

Xuân Toản

Báo Gia Lai – baogialai.com.vn – Đăng ngày 06/04/2023
Từ khóa: hoa văn, Jrai Arap, khu nhà mồ, nóc nhà mồ, xã Ia Mơ Nông

Tin liên quan

Cao Bằng: Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sinh kế bền vững

Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc

Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị: Chân trời mới cho một điểm đến đa sắc

hi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, liệu một trung tâm du lịch mới, với bản sắc mạnh mẽ và sản phẩm đa dạng có thể hình thành và phát triển bền vững? Các chuyên gia cho rằng, nếu được hoạch định và triển khai bài bản,

Cột cờ A Pa Chải – điểm nhấn du lịch ở Mường Nhé

Bàn giải pháp xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam

Du lịch bằng tàu hỏa: Trải nghiệm “chậm mà chất”

Xem tiếp

Tin nổi bật

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

Ngày Đại dương Thế giới 2025: Việt Nam hành động vì biển xanh bền vững

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường quốc gia

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79036419

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC