Sáng ngày 8/12/2010, tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức hợp tác kỹ thuật cộng hòa liên bang Đức (GTZ) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo tồn da dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường năng lực thể chế, tài chính, kỹ thuật cũng như năng lực cán bộ các cấp phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng Việt Nam, đặc biệt là ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Dự án dự kiến sẽ trải quan ba giai đoạn: Giai đoạn I từ nay đến năm 2013; giai đoạn II từ 2013 – 2016; giai đoạn III từ 2016 – 2020. Trong đó, kinh phí thực hiện giai đoạn I là 3 triệu Euro, do phía Đức tài trợ, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 300.000 Euro.Dự án được triển khai thí điểm ở 2 vườn quốc gia và 3 khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn 4 tỉnh gồm: Vườn Quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Bạch Mã (tỉnh Thừa – Thiên Huế); các khu bảo tồn thiên nhiên: Nà Hang (tỉnh Tuyên Quang), Pù Hu và Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa), và vùng đệm của các vườn quốc gia, khu bảo tồn này. Tiến sĩ. Jurgen Hess – Điều phối viên Dự án cho biết: “Đây là một dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa chính phủ Đức và Việt Nam, chính phủ hai nước sẽ thực hiện những biện pháp phối hợp chặt chẽ để mang lại hiệu quả cao nhất. Thực tế hiện nay, Dự án sẽ gặp không ít thách thức, nhưng tôi tin tưởng rằng Dự án sẽ thành công”. Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị cho biết: Tất cả các khu rừng ở nước ta hiện nay ít nhiều đều bị suy thoái đa dạng sinh học. Nạn chặt phá rừng, nạn săn bắn, bẫy động vật hoang dã trái phép khiến không ít loài động, thực vật đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Do đó việc bảo tồn tính đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái rừng, trước hết là ở các khu rừng đặc dụng là đặc biệt cần thiết.