(TITC) - Côn Đảo là một trong những nơi hiếm hoi tại Việt Nam còn giữ được hệ sinh thái tự nhiên gần như nguyên vẹn. Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo hiện đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Côn Đảo luôn là điểm thu hút du khách mọi phương. Ảnh: TITC
VQG Côn Đảo nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Vườn có 14.000ha đất ngập nước. Hệ động vật rừng Côn Đảo được ghi nhận với 144 loài, trong đó lớp thú là 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh, cá nược, cá cúi (hay còn gọi là dugong). Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển. Đặc biệt, rạn san hô cổ xưa với hơn 340 loài và các khu rừng ngập mặn nguyên sinh càng làm nổi bật giá trị sinh thái của vùng đất này.
Năm 2013, VQG Côn Đảo được công nhận là Khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam, một trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất thế giới. Đến nay, huyện Côn Đảo đã có 105 cây di sản được ghi nhận.
Du lịch sinh thái tại Côn Đảo đang phát triển mạnh mẽ với 4 tuyến chính: sinh thái biển, sinh thái rừng, sinh thái rùa và kết hợp. Trong năm 2025, có gần 330.000 lượt khách đến Côn Đảo, trong đó phần lớn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như thả rùa, lặn ngắm san hô, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ.
Chính quyền huyện Côn Đảo chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn bằng cách hỗ trợ cộng đồng địa phương thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi, khuyến khích ngư dân sống hài hòa với thiên nhiên, giảm áp lực lên tài nguyên rừng và biển.
Côn Đảo không chỉ là điểm đến du lịch, mà còn là biểu tượng cho sự nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch