Để đảm bảo môi trường trong lành tại các bãi biển Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thu gom rác thải trên các bãi biển, nghiêm cấm phát sinh các bè dịch vụ ăn uống trên biển và nơi vui chơi giải trí tại các bãi biển xả rác thải xuống biển gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan biển Quy Nhơn.
Bãi biển Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Trong đó, tỉnh tập trung quản lý tại các khu vực đảo Kỳ Co, Eo gió, Hòn Sẹo, Hòn Cân, Hòn Cỏ (xã Nhơn Lý), Hòn Khô (xã Nhơn Hải), khu vực thôn Hải Minh (phường Hải Cảng) và các bãi biển thuộc phường Ghềnh Ráng như bãi Hoàng Hậu, bãi Dại, bãi Bầu, bãi Bàng. Đồng thời tăng cường xử lý rác thải tại các khu vực ven biển huyện Tuy Phước và Phù Cát, không cho rác thải trôi dạt trên biển rồi đổ về biển Quy Nhơn; tổ chức thu gom rác thải rắn tại các địa phương đưa về khu chôn rác thải rắn tập trung tại khu Long Mỹ, xã Phước Mỹ đồng thời tăng cường năng lực thu gom và xử lý và cắt nguồn nước thải trên đường Hoàng Diệu đổ ra bờ biển Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn cho biết, thời gian gần đây, trên các bờ biển Quy Nhơn có tình trạng rác thải trôi dạt vào bờ biển chủ yếu là các loại chà, rong biển, bao bì, giẻ, áo quần, cây cối, xốp, xác động vật và gạch đá.
Khối lượng thu gom mỗi ngày khoảng 10m3 (tương đương 5,5 tấn/ngày), chủ yếu phát sinh do các đơn vị dịch vụ du lịch trên biển tổ chức vui chơi, sinh hoạt, ăn uống trên biển, rác trôi dạt do các xã ven biển huyện Tuy Phước và Phù Cát đổ xuống biển và được sóng biển đánh tấp vào bờ biển Quy Nhơn; lượng rác thải tập trung chủ yếu tại khu vực Hải Đăng và 2 hố ga cuối đường Phan Đăng Lưu và Ngọc Hân Công chúa.
Về nguồn nước thải trên dọc bờ biển Quy Nhơn có 7 hố ga làm nhiệm vụ thoát nước mưa ra biển. Tuy vậy, nước thải trong các cống cao hơn ngưỡng tràn, bơm không kịp tại trạm xử lý nước thải, nên nước thải tràn theo các cống xả ra biển gây ô nhiễm môi trường./.