Thứ nhất, tăng cường phối hợp với các Ban, Bộ, ngành chức năng, các địa phương liên quan tiếp tục cập nhật thông tin, theo dõi sát diễn biến sự cố, đánh giá tác động của sự cố trực tiếp lên hoạt động du lịch khu vực Bắc Trung Bộ để kịp thời định hướng cho hoạt động du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để trao đổi tình hình, thông tin môi trường, thông báo về sự an toàn của môi trường và đề xuất các giải pháp ứng phó thích hợp.
Thứ hai, chỉ đạo các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch tiếp tục có các kế hoạch duy trì, đảm bảo các hoạt động du lịch bình thường liên quan đến khu vực Bắc Trung Bộ; đảm bảo quyền lợi chính đáng và an toàn tuyệt đối cho khách du lịch; không tuyên truyền, thông tin tiêu cực về môi trường biển và hoạt động du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ, gây ảnh hưởng, xáo trộn tới hoạt động du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ và các địa phương liên kết.
Thứ ba, tiếp tục thông tin kịp thời về tình hình du lịch khu vực Bắc Trung Bộ với các cơ quan quản lý du lịch địa phương là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Bắc Trung Bộ và khách du lịch.
Thứ tư, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch bền vững, phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường, phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch, chính sách môi trường của nhà nước, chỉ đạo thông qua phối hợp với các kênh thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, truyền thông trực thuộc TCDL và qua các doanh nghiệp du lịch đối với khách du lịch nội địa và khu vực Bắc Trung Bộ; có các hình thức vận động, tuyên truyền cho khách du lịch quốc tế và nội địa đến du lịch Bắc Trung Bộ hiểu, chia sẻ và ủng hộ du lịch khu vực Bắc Trung Bộ.
Thứ năm, rà soát các chương trình hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch các địa phương từ nay đến hết năm 2016; đánh giá khả năng, phương thức thực hiện phù hợp, hướng tới xem xét, điều chỉnh, chuyển một số hoạt động, chương trình đưa vào hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thứ sáu, chỉ đạo, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro trong hoạt động du lịch nhằm kịp thời ứng phó, vượt qua những khó khăn, thách thức và thích ứng với những diễn biến bất lợi tác động đến du lịch trên cơ sở đúc kết các bài học kinh nghiệm từ các sự cố, rủi ro ảnh hưởng tới du lịch và sự cố hiện nay như đang diễn biến tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Thứ bảy, nghiên cứu, đề xuất kịp thời, nhanh chóng chuyển hướng thị trường khi tình hình sự cố có diễn biến tiếp tục kéo dài và trong trường hợp có diễn biến mới, khi tình hình khách du lịch tới Bắc Trung Bộ tiếp tục suy giảm, không có dấu hiệu hồi phục; tập trung đối với các thị trường gần, có điều kiện thuận lợi và sự đồng cảm, sự liên kết, kết nối truyền thông với du lịch Bắc Trung Bộ; đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến các thị trường tiềm năng, có khả năng trao đổi khách cao với khu vực Bắc Trung Bộ, những thị trường cung cấp nguồn khách tiềm năng sử dụng loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, hang động...
Thứ tám, kết hợp tăng cường kích cầu du lịch nội địa, chuyển trọng tâm hoặc một số nội dung hướng tới Bắc Trung Bộ.
Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt, xem xét điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án cho phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế ven biển Bắc Trung Bộ.
Thứ mười, đề xuất kết hợp thúc đẩy phục hồi du lịch Bắc Trung Bộ tranh thủ với các tổ chức các sự kiện thể thao biển khu vực miền Trung, đặc biệt tranh thủ sự kiện Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016 tại Việt Nam.
Kế hoạch hành động hy vọng sớm khôi phục hoạt động du lịch biển khu vực Bắc Trung Bộ
Các nhiệm vụ cụ thể nhằm khôi phục hoạt động du lịch khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ cần tập trung triển khai đến từng khối lien quan:
Khối các cơ quan tham mưu thuộc TCDL: tổ chức khảo sát, tọa đàm đánh giá thực tế tại khu vực Bắc Trung Bộ và đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dù lịch đặc thù; phát động, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và du khách trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển phục vụ du lịch.
Khối các Sở VHTTDL, Sở Du lịch địa phương: tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện liên kết phát triển du lịch, liên kết phát triển du lịch sản phẩm mới hoặc đẩy mạnh các hoạt động du lịch đã có kinh nghiệm; định hướng chia sẻ thị trường khách, thúc đẩy tạo thêm các kênh, nguồn khách tới Bắc Trung Bộ; mở các chiến dịch tuyên truyền quảng bá về địa phương, kêu gọi các doanh nghiệp có các chính sách khuyến mại, kích cầu; chủ động kế hoạch ứng phó rủi ro trong du lịch của địa phương và phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường đảm bảo môi trường phục vụ du lịch.
Khối các cơ quan báo chí, truyền thông: tuyên truyền, hướng các hoạt động du lịch của các vùng, miền, trung tâm du lịch quan tâm, hỗ trợ Du lịch Bắc Trung Bộ; chủ động các chương trình truyền thông, khích lệ và tạo hiệu ứng tốt cho Du lịch miền Trung.
Sự cố liên quan đến môi trường biển diễn ra trong tháng 4/2016 dẫn đến những khó khăn nghiêm trọng đối với du lịch tại khu vực Bắc Trung Bộ và khu vực miền Trung. Ngành Du lịch ở 4 trong 6 tỉnh Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) đã bị ảnh hưởng nặng nề khi bắt đầu vào thời kỳ cao điểm du lịch nhất trong năm. Lượng khách du lịch đến với khu vực Bắc Trung Bộ sụt giảm mạnh, công suất sử dụng buồng phòng thấp hơn nhiều so với các năm 2014, 2015. Thiệt hại doanh thu du lịch chưa có dấu hiệu phục hồi.
|
PV