Là tỉnh đồng bằng, diện tích đồi núi không lớn nhưng hệ động vật hoang dã trên địa bàn Hải Dương tương đối phong phú. Tuy vậy, nạn săn bắn trộm và tình trạng ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực tới hệ động vật này.
Đảo cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện là nơi tập trung nhiều loại chim nước
Theo kết quả nghiên cứu của đề tài "Điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học, xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh học tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", hiện nay, Hải Dương có 47 loài thú thuộc 18 họ của 7 bộ, trong đó có 42 loài thú hoang dã và 5 loài thú nuôi. Nhìn chung, thú hoang dã sinh sống trên địa bàn chủ yếu là những loài có kích thước vừa và nhỏ, dễ thích nghi với môi trường sống. Đó là, các loài thú thuộc bộ ăn thịt như mèo rừng, cầy gấm, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, chồn bạc má bắc, sóc các loại, cu li loại nhỏ, các loài thuộc bộ dơi, các loài sóc, chuột thuộc bộ gặm nhấm...
Theo ông Hoàng Đức Lưu, Trưởng Ban Quản lý rừng, tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 2.300 ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tiến và phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh. Trong đó, các cánh rừng tự nhiên ở đây là vùng quan trọng về phân bố thú hoang dã của tỉnh, nhất là những loài thú có giá trị bảo tồn nguồn gien như: Hoẵng, lợn rừng, cu li, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, cầy gấm, chồn bạc má bắc, các loài sóc... Có 3 loài quý hiếm được xếp vào nhóm nguy cấp, cấm săn bắn, sử dụng là cu li nhỏ, cầy gấm và mèo rừng. Ngoài các loài thú hoang dã, những khu rừng tự nhiên thuộc các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, thị xã Chí Linh một số núi đá vôi trên địa bàn thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn còn có nhiều loài bò sát, lưỡng cư có giá trị như: tắc kè, rồng đất, rắn ráo thường, ráo trâu, cạp nong, cạp nia, hổ mang bành, hổ chúa...
Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, trên địa bàn có 161 loài chim thuộc 44 họ của 14 bộ. Khu rừng Đồng Châu, rừng chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, vùng đồi núi xã Bắc An và khu vực núi đá vôi của thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn tập trung nhiều loài chim tự nhiên. Đặc biệt, các cánh rừng tự nhiên của thị xã Chí Linh có nhiều loài chim có giá trị bảo tồn nguồn gien như: gà lôi trắng, cú lợn lưng nâu, dù dì phương Đông, diều hoa Miến Điện, chích chòe lửa... Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện là nơi tập trung nhiều loài chim nước, chủ yếu là các loài cò, vạc...
Việc săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép dẫn đến nhiều loại quý hiếm tuyệt chủng
Theo nghiên cứu, khu vực này có thành phần chim đa dạng và phong phú hơn nhiều so với các khu vực khác của đồng bằng sông Hồng, với khoảng 51 loài, thuộc 12 bộ, 30 họ và 42 giống. Trong đó có nhiều loài chim quý như bồ nông, le le, mòng, két, cú mèo… Đặc biệt, Đảo Cò xuất hiện loài cò ốc, một loài chim quý đã được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang có xu hướng suy giảm mạnh về số lượng và chất lượng. Tình trạng người dân vào rừng bẫy thú, săn bắn vẫn thường xuyên xảy ra cũng khiến cho số lượng các loài động vật hoang dã trong rừng ngày càng suy giảm. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá vôi trên địa bàn huyện Kinh Môn đã làm biến đổi hoặc mất hoàn toàn môi trường sống tự nhiên của nhiều loài động vật hoang dã. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến nhiều loài động vật hoang dã suy giảm về số lượng do môi trường sống bị thay đổi.
Ông Nguyễn Công Quân, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) cho biết: Các cấp, ngành thực hiện tuyên truyền tại cửa rừng bằng cách treo biển cấm, tuần tra, canh gác và tuyên truyền trực tiếp tại các hộ nuôi động vật hoang dã là biện pháp để góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc nuôi nhốt, bảo vệ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra trực tiếp phương tiện vận chuyển cũng làm giảm tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã.
Tỉnh Hải Dương đang thực hiện quyết liệt các giải pháp, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã. Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã cũng góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.
Bài & ảnh: Phạm Hoàng