Các chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh và Việt Nam đã phát hiện thêm 57 hang động mới tại 14 khu vực khác nhau của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Hòa Hương là hang hình thành ngầm dưới nước lần đầu được đoàn thám hiểm Anh khám phá ở Quảng Bình. Ảnh: Đoàn thám hiểm
Ngày 22/6, UBND tỉnh Quảng Bình công bố việc phát hiện hệ thống hang động mới với những diện mạo đa dạng nằm trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Ông Howard Limbert, chuyên gia thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh cho biết, từ ngày 5/3-10/4/2016, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội cùng với các nhà khoa học của ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cán bộ của Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã thám hiểm nhiều hang động tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.
Kết quả, đoàn đã phát hiện, thám hiểm và khảo sát 57 hang động tại 14 khu vực với tổng chiều dài lên đến 20,127 km. Phần lớn các hang ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh, chưa có dấu chân người; một số hang vẫn chưa khảo sát hết chiều dài của hang.
Với kinh nghiệm và sử dụng nhiều thiết bị chuyên dụng, đoàn thám hiểm đã đo, vẽ, chụp ảnh và ghi chép lại các thông số của các hang động được khảo sát, tiêu biểu như hang Tiên 2 dài 2.519 m, hang Bom dài 1.500 m, hang Dinh 1 dài 1.430 m, hang Rục Ma Rinh 2 dài 1.360 m, hang Cây Sanh dài 850 m…
Đặc biệt, trong lần thám hiểm này, đoàn đã phát hiện nhiều hố sụt lớn trong các hang như hang Leo 133 m, hang Cây Mọc 129 m, hang Bang 121 m, hang Hòa Hương 121 m, hang Vực Chuột 111 m, hang Lui 96 m, hang Nôi Đong 93 m.
Hang Bàng. Ảnh: Đoàn thám hiểm
Trong 57 hang mới khám phá, nổi bật nhất là Hòa Hương (đặt theo tên của vợ chồng người địa phương giúp đoàn tìm ra) có chiều dài 2.876 m, tuổi đời khoảng 5 triệu năm, lâu đời nhất trong các hang được phát hiện ở Quảng Bình (những hang khác là 2-3 triệu năm).
Theo chuyên gia Howard Limbert, khu vực hang Hòa Hương ngày trước là một hồ nước rộng lớn. Hang nằm ngay dưới lòng hồ. Đây là lần đầu đoàn chuyên gia Anh phát hiện một hang hình thành ngầm dưới nước ở Quảng Bình.
Ngoài ra, đoàn thám hiểm đã phát hiện nhiều động vật quý hiếm và khác lạ sống trong các hang được khảo sát, như các loài cá, giáp xác có thân hình trong suốt, bọ cạp trắng… Đây là những thông tin quý giá về mặt khoa học trong việc nghiên cứu địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Từ năm 1990 đến nay, đoàn chuyên gia thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã có 17 chuyến khảo sát tại Quảng Bình, lập bản đồ 311 hang động với hơn 200 km hang được chụp hình. Một số kỷ lục được ghi nhận, như Khe Ri là hang nước dài nhất thế giới, Sơn Đoòng là hang lớn nhất thế giới. Hai thành công khác là đưa vào khai thác du lịch hang Phong Nha và Thiên Đường.
Lưu Hương