Góp phần nâng tầm hiểu biết của xã hội về pháp luật biển, hải đảo

Cập nhật: 29/06/2016
Sáng 28/6, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” (Đề án 373) giai đoạn 2010 – 2015 với sự có mặt của đông đảo các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện Đề án.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh cho biết: Đề án 373 là một Đề án tuyên truyền lớn về lĩnh vực biển, hải đảo góp phần phục vụ việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo với mục đích hướng tới là tuyên truyền tổng thể về biển, hải đảo, trong đó tập trung tuyên truyền phát triển kinh tế biển, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

 

Sau khi Quyết định 373 được ban hành, các nội dung của Đề án đã được nhiều Bộ, ngành (nhất là các Bộ, ngành có chức năng quản lý liên quan đến biển, đảo) quan tâm nghiên cứu và xác định đây là một trong những văn bản có những nội dung mang tính chất định hướng cơ bản cho việc nâng cao nhận thức không chỉ về tầm quan trọng của biển, đảo mà cả những việc cần làm để phát huy tác dụng, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực theo hướng củng cố và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam.

 

Đánh giá về hiệu quả của Đề án tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sỹ Tuấn cho rằng: Trong thời gian qua, công tác tổ chức triển khai thực hiện Đề án nhìn chung đã bám sát được chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tuyên truyền biển, đảo nói chung; bước đầu cụ thể hóa được các nhiệm vụ tuyên truyền thành các hoạt động tuyên truyền cụ thể nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị lẫn trong cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên và môi trường biển, hải đảo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành, từng địa phương ven biển. Đồng thời làm rõ nét hơn về những công việc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương cần làm ngay hoặc đẩy mạnh để phát huy tác dụng, hiệu quả của định hướng phát triển bền vững đối với biển, đảo Việt Nam.

 

Các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng hơn trong việc tuyên truyền về các chủ đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ biển, các nhiệm vụ và thành tựu phát triển kinh tế biển… góp phần làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng về thông tin tuyên truyền trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, dần khắc phục tình trạng đơn điệu, mất cân đối về nội dung trong công tác tuyên truyền biển, đảo nói chung.

 

Về phía địa phương cũng đã có một số tỉnh khá tích cực trong việc đề ra các hoạt động truyên truyền sát với yêu cầu thực hiện Đề án cũng như tình hình thực tế ở địa phương; quan tâm, chủ động ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện từ ngân sách địa phương.

 

Việc thực hiện Đề án đã cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra, đó là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong xã hội về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết phải tổ chức, quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả, bền vững được nâng cao rõ rệt; cán bộ, công chức các cấp các ngành và các địa phương ven biển có ý thức trong việc ưu tiên, đặt lợi ích chung của quốc gia lên trên theo hướng chia sẻ, giữ gìn và làm tốt công tác bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển, hải đảo; các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp có ý thức tốt hơn trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về biển; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng lối ứng xử tích cực, thân thiện với môi trường biển và chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực liên quan.

 

Tại Hội nghị các Bộ Giao thông Vận tải, Giáo dục, Thông tin và Truyền thông… cũng đã có các báo cáo tham luận nêu rõ những mặt đã thực hiện được, những mặt còn chưa thực hiện được do cả nhân tố nguồn lực tài chính và năng lực thực hiện của đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án đồng thời đưa ra định hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

 

Trên cơ sở hiệu quả của Đề án 373, yêu cầu và tính cấp bách, sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển và hải đảo trong tình hình mới, đề nghị cho phép tiếp tục mở mới một Đề án tuyên truyền về lĩnh vực biển và hải đảo. Trong đó, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc định hướng triển khai công tác tuyên truyền vì đây là lĩnh vực còn nhiều nhạy cảm; tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền.

 

K.Liên

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn