Giải pháp chiến lược để tăng cường liên kết bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 13/10/2016
Ngày12/10 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực trạng và đề xuất các giải pháp chiến lược để tăng cường liên kết bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững”.
 
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học thuộc: Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục bảo tồn đa dạng sinh học – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục khai thác nguồn lợi thủy sản, Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Dân tộc Cổ truyền, Trung tâm phát triển cộng đồng bền vững, đại học Quốc gia Hà Nội,…
 
Phát biểu khai mạc hội thảo  TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: ” Đa dạng sinh học là một tổng thể không thể tách rời, nên dù có bị phân thành các ngành khác nhau như nông nghiệp, thủy sản, môi trường,… để quản lý thì cũng không nên hiểu là từng ngành, từng bộ sẽ cát cứ trong khuôn khổ được phân công”.
 
Từ trước đến nay việc liên kết trong bảo tồn đa dạng sinh học dù đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng nhiều khi còn mang tính tự phát, chưa thực sự chủ động và tích cực. Với hàng chục báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu, hội thảo đã thống nhất việc liên kết cùng bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững là định hướng đúng đắn, hiệu quả và khả thi. Kiến nghị các cơ quan quản lý môi trường, lâm nghiệp, ngư nghiệp hãy cùng nhau xây dựng và ký kết các hình thức văn bản phù hợp; nhanh chóng nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện chủ động đồng phát hành tối thiểu một ấn phẩm tương xứng về đa dạng sinh học; cần tạo các cơ chế phù hợp để nuôi dưỡng, hoàn thiện và phát huy các mô hình cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học nhằm phát huy vai trò và sức mạnh của cộng đồng; kiến nghị các phóng viên, báo đài nên quan tâm nhiều hơn tới việc truyền tải thông tin về những ý tưởng, những hoạt động và mô hình liên kết bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Hội thảo đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm liên kết giữa các lực lượng quản lý nhà nước với cộng đồng vượt qua các trở ngại để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cơ sở pháp luật Việt Nam.
 
Cụ thể, liên kết hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần ban hành quy chế cụ thể về sự phối hợp liên kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ ngành khác có liên quan đến quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, tránh trùng lặp trong việc xây dựng chính sách, quyết định có cùng một đối tượng, nội dung đa dạng sinh học.
 
Cùng với đó, tăng cường năng lực cho Chi Cục bảo vệ môi trường cấp tỉnh, huyện kết nối chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tham mưu cho cấp lãnh đạo quản lý Đa dạng sinh học trên địa bàn;
 
Ngoài ra, trong quản lý nhà nước về đa dạng sinh học cần có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng địa phương. Đây là lực lượng rất quan trọng góp phần quản lý bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững.
 
Đinh Văn Hùng
Nguồn: ĐCSVN