Đừng để đánh mất di sản

Cập nhật: 17/10/2016
Mặc dù Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh đã được triển khai từ năm 2013, thế nhưng hiện nay nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn đang bị mai một.
Kết quả chưa như mong muốn
 
Nhắc đến đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, nhiều cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa tỏ ra không vui và đã thẳng thắn nhận định: Kết quả đạt được chưa như mong muốn. Đề án đưa ra 6 dự án thành phần với những phần việc mang ý nghĩa thiết thực, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn chậm; thiếu sự tập trung chỉ đạo và sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa đồng bộ. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn hạn chế.
 
Đấu chiêng mừng vui được mùa lúa mới của người Cor Trà Bồng, một nét văn hóa cần được gìn giữ. Ảnh: Đình Quang
 
Có thể nói, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng hơn trước. Một số huyện miền núi đã tổ chức truyền dạy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
 
Đơn cử như huyện Trà Bồng tổ chức các lớp nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ đánh cồng chiêng, múa cà đáo, nghệ thuật đấu chiêng; huyện Sơn Hà tổ chức các lớp nghệ nhân truyền dạy cách chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, hát các làn điệu dân tộc Hrê. Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, ngành chức năng đã triển khai dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ)...
 
Tuy nhiên, so với nhiệm vụ đề ra trong đề án, cũng như trước yêu cầu thực tế đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong giai đoạn hiện nay thì những việc đã làm được là chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Việc huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm đầu tư cho phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được đẩy mạnh. Các lớp truyền dạy di sản phi vật thể chưa nhiều.
 
Theo đề án, mỗi huyện có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất một nghề truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc; xây dựng mô hình làng văn hóa - du lịch đặc trưng, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chú trọng thực hiện...
 
Một trong những mục tiêu đề ra là đến giai đoạn 2016-2020 cơ bản đưa các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh có nguy cơ bị mai một ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu. Điều này đang đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với hệ thống chính trị các cấp, chứ không phải chỉ riêng ngành văn hóa.
 
Không thể chậm trễ
 
Từ nếp nhà sàn, vật dụng sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, cho đến những làn điệu, nhạc cụ, truyện kể, tiếng nói, chữ viết, trang phục, món ăn và những trò chơi dân gian... tất cả đều chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi một dân tộc thiểu số ở vùng cao. Vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập hiện nay với nhiều thời cơ, thuận lợi để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, song cũng chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức rất dễ bị hòa tan, do đó phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để tài sản của cha ông, những nét đẹp rất riêng của mỗi một dân tộc, vùng miền không bị mất đi.
 
Người lớn tuổi truyền lại nghề làm đồ trang sức phụ nữ Cor cho phụ nữ trẻ tuổi.
 
Ông Phạm Minh Đát - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) trải lòng, sinh hoạt cộng đồng trong đồng bào các dân tộc thiểu số không thường xuyên, đông đúc như ngày trước. Nếp nhà sàn, tiếng chiêng vốn là hồn của dân tộc vùng cao, nhưng nay thưa vắng dần. Nhiều gia đình còn giữ được cái chiêng, nhưng ít khi dùng đến. Thế hệ trẻ trong đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều người không “mặn mà” với các làn điệu, nhạc cụ, trang phục và nghề truyền thống...
 
Thậm chí như tên gọi, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số đặt cho con những cái tên nghe rất lạ, giống tên của các diễn viên người nước ngoài vì thần tượng qua phim ảnh. Điều này phần nào cho thấy đồng bào dân tộc thiểu số bị tác động bởi văn hóa ngoại lai, thiếu sự chọn lọc.
 
Ngay cả tiếng nói và chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang có nguy cơ bị mai một.  Nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong trí nhớ, lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng như truyện cổ tích, thơ ca, hò vè... do đó, cần phải có những công trình ghi chép cụ thể để không bị đánh mất.
 
Trước thực trạng nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang trên đà mai một, bản sắc của mỗi dân tộc đang dần mất đi, đơn vị chức năng các cấp trong tỉnh cần khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
Công tác sưu tầm, nghiên cứu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa với những việc làm cụ thể, thiết thực, tác động sâu sắc đến nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc “giữ hồn” của dân tộc.  
 
Bài, ảnh: Minh Anh
Nguồn: baoquangngai.vn