Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu

Cập nhật: 13/06/2017
Ngày 10/6 tại TP.Tam Kỳ, Bộ VHTTDL phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên
 
Diễn đàn là một trong những hoạt động trọng tâm của sự kiện Festival Di sản Quảng Nam 2017, nhằm thảo luận, đối thoại về các giải pháp phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên theo hướng chất lượng, có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đến dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cùng 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, đại diện 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; trường đại học, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn ghi nhận du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã chuyển mình đáng kể, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp, để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng miền Trung - Tây Nguyên (gồm 19 tỉnh/thành phố từ Thanh Hóa tới Bình Thuận, thuộc không gian của 3 vùng du lịch là Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên) là địa bàn phát triển du lịch sôi động nhất cả nước, một khu vực hứa hẹn mang lại thương hiệu đẳng cấp cho du lịch Việt Nam và đóng góp quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đồng thời, đây cũng là địa bàn quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Lãnh đạo Bộ VHTTDL ghi nhận những kết quả tích cực của du lịch miền Trung – Tây Nguyên trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Du lịch miền Trung – Tây Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và kì vọng, chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp nổi bật mang tầm quốc tế. Vì vậy, du lịch miền Trung – Tây Nguyên phải có sự chuyển mình, thay đổi để có thể vững bước phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

 


 

Đông đảo các đại biểu tham gia diễn đàn
 
Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi ý kiến đều tập trung về các yêu cầu phát triển phải kèm theo những chính sách đột phá, quản lý điểm đến, môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện. Quan trọng nhất là vai trò động lực của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển của du lịch miền Trung. Các đại biểu cũng cho rằng để du lịch miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc, trở nên đăng cấp, thương hiệu thì sự liên kết, hợp tác, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư cần có một “nhạc trưởng” điều phối…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại Hội nghị về du lịch do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hội An tháng 8/2016 với quan điểm “xắn tay áo vào việc”, tiếp đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ngày 16/1/2017. Đây là “mệnh lệnh” cho các cấp uỷ đảng, chính quyền phải thực sự vào việc và phải bằng những hành động cụ thể để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự.

“Đầu tư vào sân bay, đường cao tốc, vào văn hoá hay làm thị thực (visa) điện tử cũng là phục vụ du lịch chứ không chỉ là đầu tư vào khách sạn, vào các khu du lịch”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng tinh thần đó cần được đưa vào trong phát triển du lịch nói chung, trong đó có khu vực miền Trung-Tây Nguyên.


 

Các đại biểu phát biểu tọa đàm
 
Phó Thủ tướng cũng nêu một số điểm cốt lõi làm nên đẳng cấp, thương hiệu của điểm đến, khu du lịch, đó là: sự độc đáo, kết nối và khả năng huy động cộng đồng cùng làm du lịch.

“Chúng ta phải kết nối thực sự thì sẽ khắc phục được tình trạng có nhiều sản phẩm du lịch na ná nhau. Ở Quảng Nam có phong trào mỗi xã một sản phẩm, thì từng địa phương có lợi thế riêng về tự nhiên, văn hoá, xã hội cũng phải tìm ra nét độc đáo”, Phó Thủ tướng gợi mở và phân tích thêm về đẳng cấp của một điểm đến, một khu du lịch .

“Đến một mức nào đấy, khách du lịch không sang Việt Nam để nằm ở khách sạn 5-6 sao mà họ muốn tìm những thứ rất độc đáo không có ở nơi khác. Và khu vực miền Trung-Tây Nguyên, ngoài lợi thế tự nhiên, có rất nhiều nét văn hóa độc đáo. Chúng ta phải cùng nhau tìm ra và kết nối, bổ trợ cho nhau thành những sản phẩm du lịch đẳng cấp, có thương hiệu”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng cho rằng: “Cộng đồng làm du lịch thì đầu tiên là đời sống của người dân được cải thiện, đó là cái được lớn nhất. Và vì thế chúng ta phải tháo bỏ tất cả những vướng mắc hiện nay đang hạn chế du lịch cộng đồng. Đây chính là giá trị độc đáo của từng điểm đến. Để có được Hội An ngày hôm nay không phải một lúc làm được”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những người trực tiếp làm du lịch từ hướng dẫn viên đến phục vụ khách sạn, lễ tân… góp phần quyết định đẳng cấp của một điểm đến, một cơ sở lưu trú.

“Đương nhiên chúng ta cần có những thay đổi để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, ngoại ngữ tốt nhưng cũng có những thứ rất đơn giản như thái độ phục vụ tôn trọng người khác, tác phong nhanh nhẹn, sạch sẽ đem lại cho du khách cảm giác ấm áp, được chăm sóc thực sự thay vì chỉ cần xây khách sạn to đẹp, hoành tráng”, Phó Thủ tướng lưu ý. Ông cho rằng về lâu dài cần đổi mới hoạt động đào tạo nhân lực du lịch theo hướng linh hoạt gắn doanh nghiệp và nhà trường, “vừa học, vừa làm” và kể cả một người làm quản lý lễ tân, quản lý buồng, phòng nếu có kinh nghiệm hoàn toàn có thể được mời giảng dạy.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong tham gia xây dựng thương hiệu, đẳng cấp của du lịch Việt Nam từ chấm sao, xếp hạng khách sạn, cấp chứng chỉ hành nghề du lịch đến xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng, chính quyền địa phương…

Phó Thủ tướng bày tỏ: “Tôi rất tin du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên thời gian tới sẽ có bước tiến bộ nếu chúng ta huy động được cộng đồng, mỗi nơi tìm điểm độc đáo của mình và cùng nhau kết nối lại”,./.


 
Diệu Vũ - Quỳnh Vương
Nguồn: Báo Du lịch