Bài đầu: Hướng đến “đô thị xanh”

Cập nhật: 21/06/2017
Với bề dày phát triển, lịch sử đã để lại cho Hà Nội quỹ di sản đô thị phong phú, không chỉ là các công trình di sản, văn hóa truyền thống, mà còn tạo lập được đặc thù về cảnh quan thiên nhiên, với hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh mang bản sắc riêng. Hà Nội đã và đang tiếp tục nỗ lực để thực sự trở thành một "đô thị xanh".
 
Công nhân chăm sóc vườn hoa, cây xanh trên đường phố. Ảnh: Anh Tuấn


Đa dạng cây xanh, nhưng chưa đủ

Mỗi đô thị đều có các khu chức năng: Trung tâm hành chính - chính trị, thương mại - dịch vụ, văn hóa - giáo dục, khu công nghiệp, khu dân cư với hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên mặt đất, trên cao, ngầm dưới đất và không thể thiếu không gian xanh (cây xanh). Bởi thế, bên cạnh các chỉ tiêu cơ bản, các đồ án quy hoạch đô thị thường xác định rõ hệ thống cây xanh theo các dạng: Cây xanh cục bộ (trong nhà ở, công trình công cộng, công trình công nghiệp), cây xanh chuyên dụng (vườn ươm, phòng hộ, cách ly) và cây xanh công cộng (công viên, vườn hoa, đường phố).

Theo thống kê gần đây, cây xanh Hà Nội ở trong công viên, vườn hoa, trên đường phố, trong khuôn viên công trình công cộng có điểm nổi trội là sự đa dạng, với 170 loài, bao gồm cây cho hoa, cây ăn quả, cây cho dầu, nhựa, cây gỗ quý, cây làm thuốc... với xuất xứ không chỉ từ vùng nhiệt đới, ôn đới, từ vùng cao mà còn cả cây nhập đã thuần hóa từ Châu Phi (xà cừ, cau bụng), từ Châu Mỹ (phượng vĩ...), từ Australia (bạch đàn, keo).

Nhìn chung, cây nhập đã thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu Hà Nội góp phần cải thiện môi trường và tạo nên cảnh quan đô thị. Đặc biệt, nhiều cây cổ thụ đã góp phần tạo nên Hà Nội cổ kính, như cây đa trong Tòa soạn Báo Nhân Dân; hàng sao đen trên phố Lò Đúc, cây si trên đường Thanh Niên hay trong phố cổ, cây lộc vừng bên Hồ Gươm... và nhiều cổ thụ khác trong Công viên Thống Nhất, Công viên Bách Thảo.

Bên cạnh cây xanh, hệ thống công viên, vườn hoa của Hà Nội cũng khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu về không gian vui chơi, giải trí, văn hóa của người dân. Hiện, cả Hà Nội có khoảng 70 công viên, vườn hoa, trong đó nội thành có 21 công viên, 32 vườn hoa với tổng diện tích hơn 320ha.

Cây xanh trên đường phố Hà Nội có nhiều đặc sắc, phong phú, thực sự tạo nên các tuyến xanh nối liền các khu chức năng đô thị và góp phần bảo vệ môi trường sống ở đường phố. Thế nhưng, nếu xét về diện tích "đất xanh", là chỉ tiêu tổng hợp các thành phần của không gian xanh, thì ở Hà Nội độ che phủ (tính trên diện tích đất đô thị) chỉ chiếm gần 2%. Nhìn chung chất lượng công viên, vườn hoa chưa đồng đều, phân bố chưa hợp lý, tiện ích chưa đồng bộ, diện tích "đất xanh" mới đạt khoảng 7,2m2/người, khá thấp so với một số thành phố trên thế giới như: Mátxcơva 44m2/người, Paris 25m2/người...

Xét riêng một số chỉ tiêu cụ thể còn thấy rõ hơn các vấn đề tồn tại. Ví dụ, chỉ tiêu công viên, vườn hoa, cây xanh trong quy chuẩn xây dựng cần 7m2/người nhưng trong nội đô Hà Nội hiện chỉ đạt khoảng gần 2m2/người. Cây xanh đường phố quy định cần 1,7m2/người thì nội đô Hà Nội hiện chỉ đạt khoảng 0,6m2/người. Thực trạng này đang là thách thức lớn trong phát triển bền vững với Hà Nội trong thời gian tới.

Cụ thể hóa các định hướng phát triển

Luật Thủ đô có hiệu lực từ năm 2013, trong đó nêu rõ, cùng với việc xác định các cơ chế đặc thù, chính sách, trách nhiệm xây dựng phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã định hướng về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thủ đô. Để cụ thể hóa các định hướng trên, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 16/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện vào xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí...; trong đó đã xác định nhiều cơ chế, giải pháp huy động xã hội hóa có liên quan đến phát triển, bảo tồn, phát huy giá trị không gian xanh.

Tại báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI (tháng 11-2015) khi đánh giá tổng quan kết quả thực hiện giai đoạn 2010 - 2015 đã xác định những kết quả về cải tạo, nâng cấp phát huy hiệu quả hệ thống hồ nước, công viên, vườn hoa, trồng mới và chỉnh trang cây xanh đô thị. Theo định hướng phát triển đến năm 2020 đã xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và các chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó về xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đã có định hướng cụ thể để tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ - hiện đại, thân thiện với môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả hồ nước, công viên, vườn hoa, cây xanh.

Sau Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đến năm 2030 (Quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18-3-2014) để cụ thể hóa định hướng phát triển cây xanh đô thị, loại cây khuyến khích trồng, loại bỏ, hạn chế, thay thế và các quy định quản lý. Đặc biệt, quy hoạch đã xác định các chỉ tiêu cho từng khu vực, trong đó chỉ tiêu cây xanh bình quân được nâng lên 10m2/người vào năm 2020.

Riêng về cây xanh đường phố đã xác định nguyên tắc "có đường là có cây xanh"; bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm sẵn có, tạo dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố; trồng cây xanh trên các tuyến đường mới mở, phủ xanh các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị bằng cây leo; kết hợp thiết kế đô thị với thiết kế cảnh quan các tuyến đường, các dải phân cách có mặt cắt ngang lớn; có kế hoạch thay thế các loại cây không phù hợp.

Sau các định hướng trên, thành phố đã có nhiều quyết sách, dự án về cây xanh cụ thể, như kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh, các dự án chỉnh trang, phát triển công viên, vườn hoa, khu vui chơi của dân cư, cải tạo các tuyến đường... Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã trồng mới gần 300.000 cây xanh, trong đó có 35.000 cây có đường kính lớn. Nhiều tuyến đường mới mở như: Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Vành đai 2 (đường Võ Chí Công)…; các tuyến đường đã có như: Kim Liên - Xã Đàn, Giải Phóng…; bên dưới tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông… đã được trồng thêm nhiều loại cây mới, với thiết kế nhiều tầng, vừa tạo bóng mát, vừa mang lại cảnh quan và giảm bụi, giảm tiếng ồn đô thị.

Kết quả thực hiện thời gian qua là rất đáng kể, tạo bước phát triển mới về cây xanh cho thành phố. Hy vọng rằng với định hướng, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý đã xác lập, với sự tham gia đồng thuận của cộng đồng, của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hà Nội sẽ trở thành "đô thị xanh" có chất lượng.

(Còn nữa)


 
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Nguồn: Báo Hà Nội mới