Mô hình thí điểm “Nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường trên vịnh Hạ Long”, được triển khai từ giữa năm 2016 trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà (2014-2017): Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng”, do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng và các đối tác thực hiện.
Làng chài Vung Viêng. Ảnh: baoquangninh.com.vn.
Mô hình thí điểm vận động và hỗ trợ người dân làng chài nuôi hải sản với phương thức nuôi và bè nuôi theo quy chuẩn, quy hoạch của địa phương cũng như quốc gia, gắn liền với việc bảo vệ di sản vịnh Hạ Long.
Hướng dẫn ngư dân thực hành nuôi trồng thuỷ sản thân thiện môi trường như sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tươi sống; sử dụng giống thuỷ sản có nguồn gốc rõ ràng, chọn loài nuôi phù hợp với hệ sinh thái biển,... Các giải pháp này đã và đang mang đến hiệu quả thiết thực.
TTXVN giới thiệu 2 bài viết về mô hình rất nên được nhân rộng và lan tỏa này.
Làng chài Vung Viêng thuộc quần thể đảo Vụng Hà nằm trong vùng bảo vệ tuyệt đối trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20.
Ban đầu chỉ là nơi neo đậu của tàu thuyền để nghỉ chân, tránh gió, bão. Do đặc thù về địa hình khu vực này rất kín gió và lặng sóng, nên có một số hộ gia đình định cư tại đây. Trước năm 2014 có 60 nhà bè với 260 nhân khẩu sinh sống.
Từ năm 2014, sau khi chuyển đổi định cư cho đến nay, ngoài việc tiếp tục duy trì nghề đánh bắt hải sản trong vịnh Hạ Long, dân làng chài được chính quyền thành phố Hạ Long, Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng thông qua dự án Sáng kiến liên minh Hạ Long – Cát Bà hỗ trợ, tăng cường năng lực và hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản thân thiên với môi trường kết hợp với các hoạt động du lịch có trách nhiệm.
Để đến được làng chài Vung Viêng chúng tôi phải đi tàu mất gần 3 giờ đồng hồ, sau đó di chuyển bằng thuyền nan và đi qua Hang Cao – Một hang xuyên thuỷ nổi tiếng của Vịnh Bái Tử Long (nơi đây được ví như một chiếc cổng làng tự nhiên) của làng chài Vung Viêng.
Trước đây, người dân làng chài Vung Viêng nuôi trồng thuỷ sản vẫn theo hình thức nuôi truyền thống, như sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi thương phẩm, dẫn đến ô nhiễm môi trường nước. Bởi hình thức nuôi cá tạp làm thức ăn có thể áp dụng được đối với vùng thuỷ vực lớn.
Nhưng với vịnh Hạ Long là vùng biển kín, lưu tốc dòng chảy thấp, độ sâu mực nước thấp, vì vậy nuôi cá lồng áp dụng công nghệ truyền thống sẽ gặp nhiều rủi ro vì hoạt động này sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, tác động xấu đến thảm cỏ biển và rạn san hô.
Ngoài ra nguồn thức ăn không ổn định, chất lượng thức ăn nhanh xuống cấp nếu không bảo quản đúng cách, cá tạp có thể mang mầm bệnh lây truyền cho cá nuôi và tận diệt các loài cá nhỏ, có thể là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái và làm giảm đa dạng sinh học tại vùng vịnh Hạ Long.
Chính vì vậy, tháng 4/2016, mô hình thí điểm nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng bước đầu được thực hiện, nhằm tạo sinh kế bền vững cho ngư dân làng chài sau khi di chuyển lên bờ, hình thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần gìn giữ, bảo tồn làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long.
Mô hình này nằm trong khuôn khổ Dự án “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà” do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Mô hình lắp đặt 32 nhà bè và bè nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với dịch vụ tham quan du lịch. Đối tượng tham gia là người dân làng chài Vung Viêng tái định cư ở phường Hà Phong, thành phố Hạ Long.
Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng là đơn vị được lựa chọn phối hợp với các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long triển khai mô hình này. Hợp tác xã Vạn Chài là đơn vị quản lý, phối hợp triển khai lắp đặt nhà bè.
Hiện tại mô hình đã có 7 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày. Trong đó 50% nguồn vốn của dự án hỗ trợ, còn lại là do Hợp tác xã Vạn Chài đối ứng. Như vậy, các hộ nuôi trồng chỉ phải bỏ kinh phí mua giống cá.
Sau 3 năm, các hộ muốn tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản sẽ được Hợp tác xã chuyển nhượng lại các nhà bè với kinh phí phù hợp. Khác với các nhà bè truyền thống của ngư dân làng chài trước đây, tất cả các nhà bè trong dự án đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cao.
Theo quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh Hạ Long, mỗi hộ tham gia mô hình được cấp 300 m2 diện tích mặt nước và 180m2 nhà bè. Cũng giống như bao gia đình khác di dời lên bờ sinh sống, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Huân vẫn lựa chọn duy trì công việc ở làng chài Vung Viêng.
Hiện vợ và 3 người con của ông vẫn đang làm tại Hợp tác xã Vạn Chài. Gia đình ông cũng có nguyện vọng tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở Vung Viêng, do đó đã đăng ký tham gia mô hình.
Ông Huân chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi được lựa chọn tham gia mô hình. Tôi đã tham gia đầy đủ những buổi tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường cộng với kinh nghiệm vốn có, chúng tôi rất tự tin thực hiện tốt mô hình này. Đến giữa tháng 4/2017, gia đình tôi bắt đầu xuống giống lứa cá đầu tiên”.
Theo kế hoạch, trong năm 2017 có 10 hộ nuôi trồng thuỷ sản đầu tư 70% kinh phí, còn lại là do Hợp tác xã Vạn Chài hỗ trợ để xây dựng 10 bè nuôi. Đến năm 2018, mô hình sẽ hoàn thành tiếp 15 bè nuôi thuỷ sản. Như vậy, 32 bè nuôi trồng thuỷ sản được hình thành ở làng chài Vung Viêng và phân chia thành 5 cụm, phù hợp với địa hình.
Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc Hợp tác xã Vạn Chài cho biết: Để tạo sự gắn kết, dự kiến 7 hộ nuôi trồng thuỷ sản đầu tiên sẽ tự nguyện trích một phần kinh phí để hình thành Quỹ sản xuất. Từ đó, người nuôi trồng thuỷ sản có khó khăn về kinh phí được vay không tính lãi.
Như vậy, trách nhiệm của các thành viên được nâng lên và khả năng duy trì mô hình ngày càng bền vững. Hy vọng rằng khi mô hình hoàn thành sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến với làng chài Vung Viêng nói riêng và Vịnh Hạ Long nói chung.
Bài cuối: Xây dựng các tour du lịch có trách nhiệm
Lý Thanh Hương (TTXVN).