Nâng cao hiệu quả cho công tác giáo dục di sản - Bài 1: Giáo dục di sản còn hạn chế

Cập nhật: 26/06/2017
Di sản văn hoá là nguồn tài nguyên vô tận để học tập suốt đời. Chính vì vậy mà thời gian qua, công tác giáo dục di sản không ngừng được thúc đẩy. Nhiều mô hình giáo dục di sản đã được xây dựng với sự phối hợp liên ngành và hỗ trợ cả về chuyên môn cũng như vật chất.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hànộimới.

Những năm trở lại đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), các tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình khác nhau nhằm đưa di sản vào nhà trường, giáo dục thế hệ trẻ những tri thức lịch sử, văn hoá, khoa học kỹ thuật và tăng cường kỹ năng sống…, đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác giáo dục di sản dường như chưa đạt được kết quả mong muốn. Bởi từ lâu nay, việc giáo dục cho giới trẻ thông qua các thiết chế văn hóa, nhất là hệ thống di tích, bảo tàng đang đi theo lối mòn, không đủ để lại những bài học ấn tượng sâu sắc cho khối kiến thức mà các em tiếp thu trên giảng đường.

Phần lớn, khi đi tham quan các di tích, học sinh chỉ được xem, nghe, nhìn một cách đơn thuần. Điều này không giúp học sinh chủ động khám phá, chắt lọc thông tin, kiến thức về các di tích. Ngoài ra, học sinh còn bị hạn chế sự sáng tạo do thực hiện thụ động theo hướng dẫn viên nghe những bản thuyết minh chung chung.

 
Ảnh minh họa. Nguồn: baotangdanang.
Theo TS.Nguyễn Thành Nam, thành viên nhóm “Cánh buồm”, người có kinh nghiệm về tính tương tác trong giáo dục di sản nhận định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác giáo dục di sản khiến nó chưa thực sự hiệu quả. Đầu tiên, đó là phía di tích, bảo tàng chưa có những nội dung dành riêng cho đối tượng tham quan là học sinh nói riêng cũng như giới trẻ nói chung. Khi học sinh đến bảo tàng hoặc di tích nào đó, cơ hội tương tác là không nhiều, vì thế mà các em, đặc biệt là học sinh tiểu học không còn tha thiết quay trở lại. Ông cũng đưa ra quan điểm cần chú tâm vào việc đưa chương trình giáo dục này ra thực tế, tạo các gói chương trình học liệu bởi đây là mô hình mà nhiều bảo tàng trên thế giới đã triển khai.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: chf.huc.edu.vn.
Ông Đặng Văn Biểu, đại diện di tích Nhà tù Hỏa Lò đưa ra ý kiến: giáo dục di sản nhiều năm nay vẫn là ẩn số. “Khi thực hiện công việc này, những người tổ chức cần xác định trọng tâm cụ thể. Ví dụ, hoạt động giáo dục phải nghiên cứu cho từng lứa tuổi, đối tượng tham gia. Học sinh lớp 4 khác hoàn toàn với học sinh lớp 6, chương trình cho cùng cấp THCS thậm chí cũng khác nhau với đối tượng đầu và cuối cấp. Hoạt động giáo dục di sản không chỉ dừng ở việc cho các em lĩnh hội kiến thức, mà phải quan tâm đến cả cách tiếp nhận của mỗi đối tượng học sinh, không để các em tham gia một cách đối phó, dẫn đến hiệu quả gần như bằng 0”.

Và điều đáng nói là việc tổ chức các tour trải nghiệm di sản cho các học sinh hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức, phong trào. Bà Nguyễn Hoàng Yến - cán bộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long thừa nhận, có thời điểm Hoàng thành Thăng Long đón gần 1.000 em học sinh nhưng hiệu quả giáo dục di sản không cao. Thực tế các chương trình giáo dục di sản dù được tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như có sự kết hợp chặt chẽ với các nhà trường, cơ sở giáo dục nhưng khi học sinh đến tham quan chỉ đi vòng vòng, chưa kịp tìm hiểu đã vội vã di chuyển sang điểm mới.
 
 
Ảnh minh họa. Nguồn: hoangthanhthanglong.

Một lý do nữa khiến công tác giáo dục di sản tại các di tích, bảo tàng mặc dù đem lại hiệu quả nhưng còn gặp khó khăn là ở kinh phí và thời gian tổ chức khiến cho các nhà trường không thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho các “tiết học” ở bảo tàng hay di tích. Vì thế, cơ hội để các em được tiếp xúc thường xuyên rất ít mà gần như đơn thuần chỉ đến để “ngắm nhìn” thực tế. 

Có thể nói rằng, giáo dục di sản đã góp phần đa dạng hóa hình thức dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Dù bất kể ở không gian, địa điểm nào, từ trong nhà trường, bảo tàng, điểm di sản hay cộng đồng sẽ đem lại những cơ hội hiểu biết về các hình thái văn hóa khác nhau trong bối cảnh một xã hội đang thay đổi. Tuy nhiên làm thế nào để công tác giáo dục di sản trở nên hiệu quả hơn lại là bài toán khó cần có sự chung tay giải đáp từ nhiều phía.
Nguồn: Cinet