Có thể nói rằng, hệ thống các bảo tàng, di tích tại nước ta rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên như bài viết trước đã đề cập, công tác giáo dục di sản tại các địa điểm trên chưa thực sự hiệu quả, một phần nguyên nhân là do sự phối hợp còn thiếu nhịp nhàng giữa những người làm công tác bảo tàng, ban quản lý di tích với ngành giáo dục.
Ảnh minh họa. Nguồn: HNMO
Khách quan mà nói, ở Việt Nam, có rất nhiều bảo tàng, di tích đã triển khai thành công công tác giáo dục di sản. Tiêu biểu có thể kể đến như Bảo tàng Lịch sử quốc gia với chương trình giáo dục dành cho học sinh, đó là Câu lạc bộ Em yêu lịch sử và gần đây là Giờ học lịch sử tại bảo tàng. Mô hình này được hình thành từ năm 2007 và cho đến nay vẫn duy trì rất tốt và còn mở rộng ra một số di tích và bảo tàng trên cả nước. Câu lạc bộ này đã trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo cho các em chủ động tìm hiểu vấn đề dựa vào sự gợi mở của giáo viên từ những hiện vật di sản cụ thể sinh động. Điều này đã gây hứng thú học tập, phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh, củng cố và bổ trợ kiến thức cho các giờ học nội khóa, tạo môi trường và không khí học tập mới trong môn Lịch sử ở trường phổ thông, giúp các em yêu mến, hứng thú, say mê tìm hiểu đối với môn Lịch sử ở trường học nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Mai Thủy - Phòng Giáo dục, Truyền thông Bảo tàng nhận định: “Từ thực tế các công việc đang thực hiện cho thấy rằng bản thân chúng tôi cũng chưa có sự đổi mới thường xuyên nên các hoạt động cho đến giờ phút này vẫn đi theo lối mòn và nếu như có sự đầu tư cũng như sự kết hợp của các chuyên gia giáo dục thì chương trình sẽ tốt hơn”.
Ảnh minh họa. Nguồn: hoalo.vn
Hay như ý kiến của bà Nguyễn Hoàng Yến - cán bộ Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long, ở đây có chương trình “Em làm nhà khảo cổ” cho lứa tuổi học sinh lớp 4,5 ở đã được triển khai từ năm 2013 nhưng không hoạt động được lâu dài. “Đến năm 2016, chúng tôi đã chủ động liên kết chặt chẽ với phòng giáo dục quận, huyện cũng như Ban giám hiệu các nhà trường. Vì thế chương trình này được triển khai rất hiệu quả, có sự lan tỏa, thậm chí số lượng học sinh tham gia đông đến mức quá tải”. Cũng theo bà Yến, Ban giám hiệu các nhà trường cũng cần phải có sự thay đổi nhận thức. Bởi hiện nay, đa phần các trường thường mặc định giữa kỳ 1 và giữa kỳ 2 là cả trường đến tham quan rất đông, khoảng 1000 học sinh. Các cháu đến nghe được gì thì nghe rồi về. “Tôi cho rằng các nhà quản lý giáo dục cần có sự thay đổi nhận thức, là đi theo nhóm hoặc theo lớp vài chục cháu, như vậy mới tiếp cận di sản được sâu rộng nhất. Thêm nữa, theo tôi, mỗi đơn vị di tích nên cần có những phòng tương tác với đầy đủ dụng cụ, mô hình để các em học sinh có không gian trải nghiệm, thỏa sức sáng tạo”.
Kinh nghiệm từ một số khu di tích khác trong việc triển khai tổ chức hiệu quả việc tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế đối với học sinh cũng chỉ ra rằng: các nhà trường và di tích, bảo tàng trước hết cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, phải coi đây là một chủ trương nhất quán và được tạo điều kiện thuận lợi bởi các cơ quan quản lý.
Ảnh minh họa. Nguồn: vaschools.edu.vn
Để làm được điều đó, phía Ban Giám hiệu các nhà trường, Phòng Giáo dục các quận, huyện cần phải xây dựng một kế hoạch cụ thể dựa trên điều kiện, hoàn cảnh của từng trường, xác định thời gian cũng như số lượng học sinh đến tham quan thực tế. Còn với các di tích và bảo tàng cần có những quy định, quy chế tham quan để hướng dẫn, phổ biến cho các nhà trường, nhằm nâng cao tính chủ động trong công tác phối hợp tổ chức nội dung học tập thực tế cho các em tại đây. Làm tốt công tác chuẩn bị và phối hợp thì nội dung học tâp mà các em học sinh tiếp nhận được sẽ rất phong phú, có giá trị thực tiễn cao.
Nhưng cái khó với cả giáo viên cũng như cán bộ di tích, bảo tàng là mỗi đối tượng học sinh lại có nhận thức và sự hiểu biết khác nhau, tùy thuộc vào lứa tuổi. Vì vậy nội dung truyền tải cần phải đi sâu vào từng chuyên đề và có sự liên hệ theo đối tượng nhất định. Đồng thời cần mở rộng và đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu như: sách, phim ảnh... để cung cấp thêm tư liệu và tăng thêm sự hấp dẫn đối với mỗi chuyến trải nghiệm thực tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: baotanglichsu
Ngoài ra, hàng năm các di tích, bảo tàng và nhà trường nên tổ chức những buổi tọa đàm, trao đổi nhằm chia sẻ, đánh giá và rút kinh nghiệm những kết quả đạt được để nâng cao chất lượng và nội dung chương trình học tập thực tế, cũng như đề xuất các giải pháp mới thu hút các em học sinh, tránh đi theo lối mòn của “bệnh thành tích”, bởi nhiều trường cho học sinh đến các điểm di tích chỉ để cho đủ hoạt động ngoại khóa thường niên trong báo cáo tổng kết cuối năm học.
Có thể khẳng định rằng, giáo dục di sản bằng hình thức tham quan học tập thực tế tại các di tích và bảo tàng nói chung đóng một vai trò rất quan trọng. Việc tổ chức mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảng dạy. Đồng thời đưa các hoạt động của bảo tàng đến gần hơn với nhà trường, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.