Trong buổi tọa đàm nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng năm 2017 với chủ đề “Giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, vấn đề giáo dục di sản lại một lần nữa được “hâm nóng” trở lại nhưng với phương thức hoàn toàn khác.
Các em học sinh tham quan và học tập tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: banmaischool.edu.vn.
Đây là hình thức giáo dục di sản mới dành cho học sinh được Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016, với khung chương trình được cán bộ di tích thiết kế theo ba bước: trước tham quan, trong tham quan và sau tham quan. Trong đó, trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh chuẩn bị các thông tin (về di tích) trước chuyến thăm quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Trong tham quan là hoạt động tại di tích: cán bộ giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo chủ đề di sản. Sau tham quan là hoạt động đặc biệt được chú trọng, đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh và thầy cô giáo. Việc giáo viên định hướng đúng và khéo léo, linh hoạt bố trí, sắp xếp đủ thời gian sẽ giúp học sinh có được những sản phẩm sáng tạo hiệu quả sau một chuyến tham quan trải nghiệm.
Giáo dục di sản tại Văn Miếu được chia thành 3 quá trình: trước tham quan, trong tham quan và sau tham quan. Ảnh: toquoc.vn
Khẳng định hiệu quả của việc thực hiện thí điểm cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản ở di tích đã triển khai trong hai năm qua, đồng chí Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, đây là phương thức hoạt động mới nhưng rất hữu ích, bởi lẽ trong quy trình giáo dục di sản cho các em học sinh ở tiểu học các em vừa học lý thuyết có một buổi thầy cô giáo giới thiệu cho các em về di tích, sau đó đưa các em đến thăm di tích theo một chủ đề hẹp mà các em tìm hiểu, cuối cùng là thu hoạch của các em bằng các sản phẩm rất cụ thể. Không những thế, đó còn là hoạt động mang tính gắn kết giữa nhà trường với di tích và có thể nói nếu như phương thức cũ của chúng ta chỉ ngồi trên lớp thầy cô giáo giảng cho các em các bài học về lịch sử, về di sản thì đây là phương thức nó đặc biệt hơn vừa học vừa giới thiệu cho các em, vừa cho các em trải nghiệm tại di sản để các em có những nhận thức sâu sắc hơn về di sản.
Nhưng làm thế nào để công tác giáo dục di sản không đem lại sự nhàm chán? PGS.TS.Bùi Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: giáo dục nghệ thuật trước hết phải mang đến niềm vui cho con người. Với hệ thống các bảo tàng, trường học, di tích, các giáo viên cũng như các nhà nghiên cứu khi xây dựng chương trình phải đề cao công tác chuẩn bị và hướng đến mục tiêu, nội dung triển khai phục vụ là các đối tượng, lứa tuổi khác nhau.
Một số sản phẩm thu hoạch được của các em học sinh sau quá trình học tập tại Văn Miếu. Nguồn ảnh: MaskOnline.
Với góc độ là một doanh nghiệp đã phát triển được 15, 16 năm, đại diện công ty Tùng Tâm - ông Lê Trọng Thanh đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển giáo dục di sản và du lịch tại Yên Tử. Ông Thanh cho biết: “Chúng tôi tập trung khai thác các dịch vụ và công tác giáo dục cho thế hệ trẻ bởi giáo dục di sản là vấn đề khó. Có những năm công ty miễn toàn bộ vé cáp treo mùa hè cho học sinh, sinh viên nhưng không có ai đi. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Chính là ở sản phẩm của chúng ta. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã chuyển đổi phương pháp giáo dục, chú trọng nhiều vào phần “động”, kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm đưa các em học sinh đi thăm quan Yên Tử, chơi các trò chơi dân gian và tổ chức chương trình “Học sử trên đỉnh non thiêng”. Hiện nay công ty cũng đang vận hành hiệu quả một số chương trình và sản phẩm khác như: Cặp mắt yêu thương, Tìm mật mã của người xưa… Đồng thời sắp tới sẽ xây dựng dự án trong đó có hạng mục Bảo tàng phật hoàng Trần Nhân Tông, dùng công nghệ, âm thanh, ánh sáng để khắc họa cuộc đời phật hoàng Trần Nhân Tông và ngọn núi Yên Tử, giá trị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chương trình giáo dục di sản "Em làm nhà khảo cổ" tại Hoàng thành Thăng Long. Nguồn: hoangthanhthanglong.vn.
Giữ gìn di sản là việc làm luôn được ưu tiên hàng đầu bởi nó mang tính chất cấp thiết, quan trọng. Nhưng làm thế nào để những giá trị tinh thần, văn hoá, lịch sử... đến được với người dân lại là mục tiêu có ý nghĩa thiết thực mà chúng ta phải hướng tới. Vì vậy ngay từ bây giờ cần phải giáo dục di sản cho cộng đồng mà đặc biệt là thế hệ trẻ. Các em cần được phát triển nhận thức về trách nhiệm tương lai của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bởi trẻ em hôm nay sẽ trở thành những người bảo vệ di sản cho mai sau của đất nước, dân tộc.