Chủ tịch Hà Nội: Hy vọng đến quý 3/2019 nước sông Tô Lịch đảm bảo sạch

Cập nhật: 28/06/2017
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có những thông tin về việc các dự án đang được triển khai nhằm duy trì và làm sạch hệ thống nước trên sông Nhuệ, sông Tô Lịch.
 
5 giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tại quận Đống Đa (Hà Nội) vào chiều 24/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có một số thông tin liên quan đến các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của Thành phố.

Theo ông Chung, hiện thành phố đang xây dựng, triển khai 5 giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, giải pháp đầu tiên là trồng 1 triệu cây xanh. Thứ hai, tổ chức duy tu, duy trì các hồ trữ nước trên địa bàn Hà Nội.

Thứ ba là tiến hành duy trì và đang làm sạch hệ thống nước trên sông Nhuệ cũng như sông Tô Lịch.

Ông Chung cho biết, hiện Hà Nội đã triển khai hai dự án, trong đó, một dự án liên quan đến nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Các gói thầu đang được thực hiện và phấn đấu đến tháng 10 /2019 sẽ đưa nhà máy vào hoạt động. Khi đó, 80% nước thải của Đống Đa, một phần của Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Trì sẽ được xử lý toàn bộ.
 
 
Sông Tô Lịch hiện nay.


Cùng với đó, thành phố cũng đang giao cho Công ty Phú Điền xây dựng, mở rộng nhà máy xử lý nước thải ở Tây hồ Tây với công suất 160.000m3/ngày, đêm và khi đi vào hoạt động thì một phần nước thải của quận Cầu Giấy, toàn bộ quận Ba Đình, Tây Hồ sẽ được thu gom, xử lý.


"Như vậy, đến quý 3/2019 cơ bản nước thải ở các quận nội thành sẽ được thu gom, xử lý. Khi đó, hy vọng nước sông Tô Lịch mới đảm bảo sạch.

Ngoài ra, để đảm bảo lọc nước thì chúng ta đang xây dựng đề án và trong thời gian tới sẽ xây dựng lại cống Liên Mạc và khi xong sẽ bổ sung nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch", ông Chung nêu rõ.

Giải pháp thứ 4, theo Chủ tịch Hà Nội là toàn bộ các công trình được thành phố duyệt từ năm 2016 trở đi đều yêu cầu chủ công trình sử dụng đèn LED.

Đồng thời, trên 278.000 bóng đèn chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường giao thông cũng như đường tại tổ thôn, xóm ở nội thành, ngoại thành... đang kêu gọi các nhà đầu tư thay thế bằng bóng đèn LED.

"Nếu thay thế xong sẽ tiết kiệm được 2/3 điện tiêu thụ. Hiện nay chúng ta đang chi một năm khoảng 340 tỷ đồng cho duy tu, duy trì cũng như tiền điện chiếu sáng công cộng, nếu thực hiện xong sẽ tiết kiệm được 2/3", ông nói thêm.

Giải pháp thứ 5, theo người đứng đầu UBND TP Hà Nội là liên quan đến xử lý rác ô nhiễm và vừa qua, Hà Nội đã khánh thành nhà máy đốt rác, phát điện đầu tiên của Việt Nam đặt ở bãi rác Nam Sơn.

Trong thời gian tới, theo đề án sẽ có thêm các nhà máy xử lý rác thải như thế này được xây dựng và hy vọng đến cuối năm 2018, việc thu gom, xử lý rác thải ở Hà Nội sẽ được thực hiện triệt để.

Thành phố cũng đang tích cực tiến hành cải tạo, xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các hồ trong nội thành nhằm giúp điều hòa không khí...

Mỗi năm ngân sách sẽ có thêm 1.000 tỷ

Còn liên quan đến vấn đề khai thác cát như báo chí phản ánh và thực tế trên địa bàn theo đánh giá của Chủ tịch Hà Nội thì tình hình đang diễn ra rất phức tạp.

Theo ông Chung, hiện Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo Công an TP thành lập các tổ như 141, bắt giữ trên 100 tàu thuyền, bắt giữ, truy tố nhiều đối tượng, tuy nhiên, tình hình khai thác vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Thành phố đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục đường thủy nội địa đề nghị không cho các doanh nghiệp khai thác dựa trên giấy phép khơi thông luồng lạch. Bởi cách làm này là lợi dụng vào giấy phép khơi thông luồng lạch để tận thu cát, bản chất là khai thác cát.

Thời gian qua TP đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, rà soát được 173 điểm tập kết cát trái phép dọc bờ sông Hồng, sông Đuống và các sông trên địa bàn Thủ đô.

"Qua kiểm tra có 42,2% là các bãi có phép, còn lại không phép, TP đã cương quyết thu hồi và thu hồi được nhiều điểm tập kết cát", ông nêu rõ và thông tin, hiện TP đã xây dựng đề án liên quan đến khai thác cát.

Qua việc phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường khảo sát trên các sông ở địa bàn đã thống kê có 23 mỏ cát và dự kiến sẽ đưa các mỏ này ra đấu thầu công khai theo lộ trình.

"Qua cuộc họp gần đây nhất của Thường vụ Thành ủy TP.Hà Nội, đã quyết định giai đoạn 1 đưa ra đấu thầu 4 - 5 mỏ cát trước, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để đấu thầu các mỏ sau một cách công khai, minh bạch.

Làm như vậy việc khai thác cát sẽ được quản lý theo quy hoạch, trên cơ sở đó chống được sạt lở 2 bên bờ sông và nếu triển khai, mỗi năm ngân sách TP Hà Nội sẽ thu được trên 1.000 tỷ đồng", Chủ tịch Hà Nội nói thêm.
Nguồn: Tri thức trẻ