Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Hiệp hội, trong tổng số hơn 18.000 HDV du lịch trên cả nước hiện nay, chỉ có chưa đầy 5% HDV nằm trong các công ty du lịch, 95% còn lại không thuộc quân số đơn vị nào.
Theo ông Vũ Thế Bình, tình trạng phần lớn Hướng dẫn viên (HDV) hoạt động tự do, không thuộc quân số của đơn vị nào khiến cho việc quản lý HDV gặp nhiều khó khăn. Không ai có thể nắm bắt được đội ngũ HDV hoạt động như thế nào, có bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ hay không? “Trước đây chúng ta chưa có cơ quan quản lý HDV một cách rõ ràng, chỉ quản lý về hình thức theo hình thức cấp thẻ. Do vậy, đội ngũ 18.000 HDV hiện nay thực chất chưa có sự quản lý rõ ràng. Họ ở đâu, làm gì, sinh hoạt ra sao, có bồi dưỡng kiến thức hay không, chúng ta không nắm được”- ông Bình cho biết.
Sắp tới sẽ thành lập Hội Hướng dẫn viên và Chi hội HDV ở tất cả các địa phương trên cả nước (Ảnh: Hoàng Hà)
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ quản lý hơn 18.000 HDV trên cả nước hiện nay, ông Vũ Thế Bình cho biết, sắp tới sẽ thành lập Hội Hướng dẫn viên và Chi hội HDV ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Luật Du lịch vừa được thông qua có nhiều điểm mới quy định về HDV rất quan trọng và cần thiết. Cụ thể, Luật Du lịch sửa đổi đã quy định rõ điều kiện để được hành nghề của HDV là được cấp thẻ HDV và phải có hợp đồng lao động với công ty lữ hành hoặc công ty chuyên cung cấp HDV, hoặc là thành viên của Hội nghề nghiệp HDV. Ông Bình khẳng định, hai điều kiện này rất quan trọng để góp phần quản lý, chấn chỉnh đội ngũ HDV hiện nay.
Ngoài ra, về vấn đề xếp hạng cơ sở lưu trú, dù hiện nay, Luật Du lịch sửa đổi đã quy định DN tự nguyện đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xếp hạng sao, song số lượng DN đăng ký vẫn rất đông. Trong quá trình thẩm định để xếp hạng, cơ quan quản lý Nhà nước phải phối hợp với tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch để triển khai. Muốn phối hợp được, Hiệp hội cũng phải có bộ phận chuyên môn về cơ sở lưu trú để thực hiện. Do vậy, ngay bây giờ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã yêu cầu tất cả Hiệp hội Du lịch địa phương cần phải chấn chỉnh Chi hội Khách sạn. Những địa phương nào không triển khai được, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam sẽ trực tiếp tham gia phối hợp với TCDL triển khai thẩm định để xếp hạng khách sạn tại địa phương đó.
Ngoài hai nội dung trên, Luật Du lịch sửa đổi đã quy định rõ hơn về vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp về Du lịch. Theo đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phải tham gia nhiều công việc, như: phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để thẩm định các hoạt động du lịch, đánh giá chất lượng dịch vụ; Huấn luyện, đào tạo, xác định trình độ, nghiệp vụ của lao động trong lĩnh vực du lịch…
Do vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch và các Sở Du lịch, Sở VHTTDL địa phương để vận động các DN học tập, nghiên cứu Luật Du lịch, tham gia tổ chức Hội để chấn chỉnh hoạt động của các DN du lịch, HDV du lịch, góp phần giúp lực lượng nhân lực và dịch vụ du lịch chuyên nghiệp hơn, góp phần đáp ứng mong muốn của Đảng và Nhà nước để đưa Du lịch thành ngành Kinh tế mũi nhọn./.
Lâm Minh