Những năm gần đây, các xã ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) vẫn giữ được những nét bình dị, đặc thù của vùng thôn quê truyền thống. Những mảng xanh, đầm nước, hàng cây... tạo môi trường trong lành, thanh bình, đáng sống. Đó là kết quả của sự chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo vệ môi trường của người dân địa phương...
Có dịp về xã Lại Yên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vùng nông thôn trù phú. Điểm nhấn ấn tượng nhất là đầm nước trong veo chạy dài giữa làng mạc đông đúc, khiến khung cảnh làng quê vô cùng nên thơ...
Sau khi được cải tạo, đầm Lại Yên (Hoài Đức) đã đem lại cảnh quan xanh, sạch, đẹp
Đầm Lại Yên dài 1.400m, được ví như dải lụa mềm vắt ngang qua những khu dân cư sôi động. Hai bên bờ đầm được kè chắc chắn, có lan can bảo vệ và hàng cây xanh mướt trải dài. Những ngày hè, đầm nước như "lá phổi" điều hòa, làm dịu cái nóng cho người dân. Dưới làn nước trong vắt, khi chiều về, người lớn, trẻ nhỏ trong làng lại ùa nhau ra đầm tắm mát. Theo Chủ tịch UBND xã Lại Yên Đỗ Xuân Hùng, trước năm 2009, đầm không được đẹp như hiện nay. Hai bên bờ, các hộ dân lấn chiếm, xả nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều gia đình ở quanh đầm lấn chiếm, đổ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng xuống đầm khiến ruồi muỗi sinh sôi vô kể... Trước tình trạng đó, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch cải tạo đầm Lại Yên. “Khi bắt tay vào cải tạo, chính quyền đã gặp rất nhiều trở ngại. Việc xác định mốc giới giữa đất công và đất thổ cư tốn khá nhiều thời gian. Nhiều hộ lấn chiếm không chịu trả lại đất, đơn thư vượt cấp kéo dài” - ông Hùng cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động, giải thích để bà con hiểu và ủng hộ chủ trương của xã. Năm 2009, bờ Bắc của đầm được cải tạo trước, đến năm 2012, tiếp tục triển khái phía bờ Nam với kinh phí lên tới 40 tỷ đồng. Sau khi cải tạo, toàn bộ nước thải sinh hoạt cả các hộ dân được bố trí tiêu thoát theo đường riêng, không chảy thẳng xuống đầm như trước. Toàn bộ lan can bảo vệ quanh đầm được lắp đặt cùng hệ thống chiếu sáng và cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, đầm Lại Yên được giao cho hợp tác xã quản lý, có người trông coi, vớt lá cây, rác thải, duy trì đầm nước luôn sạch sẽ...
Cùng với cải tạo đầm, UBND xã Lại Yên đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, làm đẹp làng quê, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân. Đến nay, Lại Yên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Xã Lại Yên đã ký hợp đồng với Hợp tác xã Thành Công thu gom và vận chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt trong ngày; đồng thời, phân công các hội, đoàn thể phụ trách từng tuyến đường bảo đảm thông thoáng, sạch đẹp...
Tâm sự với chúng tôi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lại Yên Trịnh Thị Trang cho hay, Hội Phụ nữ được giao tự quản tuyến đường trục chính từ thôn 1 đến thôn 4. Cán bộ hội được giao nhiệm vụ đã vận động nhân dân đặt thùng chứa rác bên trong cổng, ngõ của gia đình mình và chỉ mang rác ra ngoài khi có kẻng; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không làm mái che, mái vẩy ảnh hưởng đến hành lang giao thông; duy trì tổng vệ sinh vào sáng thứ bảy hằng tuần… Với phương châm sạch nhà, sạch ngõ, sạch ruộng đồng, Hội Phụ nữ xã Lại Yên đang chuẩn bị phát động phong trào thi đua “vệ sinh đồng ruộng”: Gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật về điểm tập kết; phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; tăng cường các buổi truyền thông để nâng cao nhận thức trong nhân dân về giữ gìn môi trường...
Trong xu thế đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn ven đô và Lại Yên cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, những không gian xanh của ruộng đồng, đầm nước, hàng cây... ở nơi đây không bị mất đi mà ngược lại vẫn được giữ gìn và phát triển, khiến làng quê giữ được vẻ đẹp thanh bình. Hiện nay, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều lao động của xã Lại Yên đã tìm được việc làm ổn định từ các nghề kinh doanh dịch vụ, cơ khí, làm hương, tạc tượng, sơn bả… nên kinh tế ngày một khá giả. Bên cạnh đó, các phong trào được đẩy mạnh, như: Thể dục thể thao, văn nghệ quần chúng, đội văn nghệ cựu chiến binh, câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ văn hóa thể thao người cao tuổi, câu lạc bộ võ thuật thanh - thiếu niên… tất cả đã tạo nên sức sống cho một vùng quê thanh bình!
Nguyễn Mai