Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế: Chặng đường dài còn ở phía trước

Cập nhật: 07/07/2017
Quần thể di tích Cố đô Huế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch miền Trung, cũng như cả nước. Nổi bật trong quần thể di tích này là hệ thống đền đài, lăng tẩm, miếu mạo… cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với lịch sử dân tộc.

Từ một di tích mang nhiều vết thương chiến tranh
Quần thể di tích Cố đô Huế ngày nay đã từng là kinh đô của nước ta từ năm 1802 đến 1945. Cách mạng tháng Tám thành công kết thúc 143 năm trị vì của triều Nguyễn, cũng từ đó đánh dấu giai đoạn khủng hoảng và suy thoái của di tích. Sự tàn phá nặng nề của chiến tranh với những trận mưa bom, bão đạn đã phá hủy nhiều khu di tích trong Hoàng Thành, Kinh Thành, các cửa thành, vòng tường thành, các lăng tẩm …

Ngọ Môn bị phá hủy nghiêm trọng trong chiến tranh. Nguồn: dantri.com.vn

Sau năm 1975, quần thể di tích cố đô Huế mang trên mình nhiều vết thương của chiến tranh. Nhiều kiến trúc bị phá hủy hoàn toàn, nhiều kiến trúc ở tình trạng đổ nát, trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, vào các năm 1953, 1971, 1984, 1999, Huế còn trải qua nhiều trận bão lũ lớn, càng làm cho các di tích Huế bị thương tổn nặng nề.

Chiến tranh cùng những tác động của thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, toàn bộ khu vực tử cấm thành trước đây gần như bị xóa sổ, thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ… còn lại đều bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau, các di sản phi vật thể cũng thất lạc. Việc bảo tồn quần thể di tích đối mặt với những thách thức rất lớn, cùng với nhiều định kiến về chính trị khi ấy cũng khiến việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích này rơi vào quên lãng.
 

Huế trong trân lụt lịch sử năm 1999. Nguồn: ditichhue

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, theo đánh giá của những nhà nghiên cứu, khi còn nguyên vẹn thì quần thể di tích cố đô, có khoảng hơn 1.400 kiến trúc, lớn nhỏ nhưng sau chiến tranh chỉ còn khoảng độ chưa đến 400 công trình, tức là chưa đến 1/3. Hầu hết các công trình này đều trong tình trạng rất đổ nát. Tác động của chiến tranh cũng khiến người ta không còn quan tâm, mặn mà với các di sản nữa.

Cho đến năm 1981 khi tổng giám đốc UNESCO khảo sát Huế và ra lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế, đồng thời phát động một cuộc vận động quốc tế, đưa việc bảo tồn di tích Huế vào quỹ đạo ban đầu thì công tác trùng tu di tích Huế mới thực sự diễn ra với nhiều công trình hư hỏng được trùng tu, nâng cấp như Ngọ Môn, Thái Hòa, Kỳ Đài, Long An Điện….

Hơn 1 thập kỷ tiếp theo là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển mình tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản Huế trên các mặt như: bảo tồn, trùng tu di tích, bảo tồn văn hóa phi vật thể, bảo tồn tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản, hợp tác quốc tế… Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Chính quyền địa phương và cộng đồng quốc tế.

Năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã vinh dự là di sản đầu tiên của nước ta được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế tiếp tục được khẳng đinh qua sự công nhận của thế giới. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng là di sản phi vật thể đầu tiên được vinh danh. Năm 2016, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế trở thành Di sản Tư liệu Thế giới (khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

Đến “điểm sáng” trong công cuộc bảo tồn di sản

Nhìn lại chặng đường gần 25 năm từ khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Cố đô Huế đã được các chuyên gia UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá là “điểm sáng” trong công cuộc bảo tồn di sản.
 

Ngọ Môn ngày nay là một trong những biểu tượng của Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Gia Linh

Đến nay, về mặt tổng thể, di tích Cố đô Huế đã thoát khỏi tình trạng phải cứu nguy khẩn cấp. Hoạt động bảo tồn và phát triển di tích Cố đô Huế đã đạt được những thành tựu nhất định. Tổng kinh phí tu bổ di tích Huế từ năm 1996 - 2014 là gần 1187 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nguồn kinh phí này đạt 177 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình quan trọng tại quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn, phục hồi, trả lại giá trị vốn có như hệ thống trường lang; các công trình kiến trúc Thế miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu, Triệu miếu, Ngọ môn; các công trình kiến trúc tại các lăng Gia Long, Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức; và mới đây nhất là Phu Văn Lâu, Lăng Trường Cơ. Các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia, thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước Quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã công nhận và tham gia.

Bên cạnh đó, các giá trị di sản văn hóa cố đô Huế sau khi được bảo tồn, trùng tu đang phát huy hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong 10 năm, doanh thu trực tiếp từ năm 2006 - 2016 đã đạt hơn 1.500 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng. Quay ngược lại, chính nguồn thu này đã góp phần quan trọng trong tái đầu tư vào hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản.

Các giá trị di sản văn hóa cố đô Huế sau khi được bảo tồn, trùng tu đang phát huy hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua con đường du lịch. Du khách trong nước và quốc tế tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: Gia Linh

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tiền thân là Công ty Quản lý di tích lịch sử và văn hóa Huế) đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, cùng các giá trị phi vật thể gắn kết với quần thể này, qua đó góp phần “hồi sinh” Cố đô Huế.

Năm 2012, Trung Tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện thành công “Đề án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020”, được phê duyệt theo Quyết định số 818/2010/QĐ-TTG của Chính phủ ngày 07/6/2010; Xây dựng thành công đã và đang thực hiện Đề án một số cơ chế hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, thời gian từ năm 2013 đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 1880/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ ngày 12/12/2012.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục gồm 27 dự án dành cho việc trùng tu, bảo tồn các di tích quan trọng trong khu vực Đại nội, kinh thành, lăng tẩm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.
 

Bểu diễn vũ khúc cung đình Trình tường tập khánh trong chương trình “Đại Nội về đêm”. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Bên cạnh việc đẩy mạnh trùng tu, phục hồi các công trình kiến trúc để kinh đô Huế luôn mới trong mắt du khách, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách tới thăm quần thể di sản này như: Chương trình kích cầu du lịch tại di sản Huế, chương trình tham quan đại nội về đêm và thưởng thức những “đặc sản” văn hóa cung đình…

Những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế trong thời gian qua là rất đáng khích lệ, nhưng đó vẫn là những bước đi đầu tiên trên chặng đường đưa di sản này phát triển bền vững và gắn bó mật thiết hơn với hơi thở cuộc sống ngươi dân xứ Huế.

Công việc trước mắt và lâu dài vẫn là huy động nguồn lực rất lớn để trùng tu, bảo tồn, tiếp tục giữ gìn các di sản văn hóa hiện nay đang có, đồng thời nghiên cứu phục hưng những di sản văn hóa bị mai một, bị mất đi trong đó có các các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu… Xa hơn nữa là hướng tới mục tiêu đưa di sản trở thành một phần đời sống của chủ thể văn hóa./.

Gia Linh

Nguồn: Cinet