Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ môi trường, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương và các yếu tố khác. Điều này thể hiện rõ trong kế hoạch hành động của Chính phủ.
Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu như vậy tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam và Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác phát triển Việt-Đức tổ chức ngày 7/7 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phát triển bền vững là nhiệm vụ của toàn Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, và của từng doanh nghiệp, người dân. Quá trình thực hiện Kế hoạch hành động đòi hỏi phải có phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành và người dân, giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; đồng thời phải tăng cường tính công khai minh bạch, đảm bảo cho tất cả các bên liên quan đều có thể giám sát được.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tận dụng được các cơ hội, vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Thủ tướng ban hành vào tháng 5/2017. Đây là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đẩu tư Nguyễn Thế Phương, Kế hoạch được xây dựng dựa trên quá trình tham vấn rộng rãi của tất cả bên liên quan. Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030.
Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh vai trò của tất cả bên liên quan, từ các bộ ngành, địa phương đến tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030.
"Thời gian tới, để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam sẽ tập trung vào hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ. Nâng cao nhận thức các cấp ngành và toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao. Huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững," Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.
Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện. Mặt khác, Việt Nam sẽ lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách, chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương..., Thứ trưởng Phương nói.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện hiệu quả và thành công mục tiêu phát triển bền vững sẽ đem lại bước tiến đáng kể trong giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Về tài chính, bên cạnh huy động nguồn lực trong nước, Việt Nam cầm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết kế hoạch hành động này là dấu mốc quan trọng của Việt Nam, một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc đưa mục tiêu phát triển bền vững trong thực hiện, phản ánh cũng như cam kết quốc tế.
"Các cơ quan Liên hợp quốc cam kết đồng hành cùng Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động, cụ thể thông qua Kế hoạch chiến lược chung giữa Chính phủ Việt Nam trong quá trình phát triển, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra," ông Kamal Malhotra nói.
Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức)
Theo ông Kamal Malhotra, Việt Nam là thành viên tích cực và có nhiều nỗ lực trong tiến trình cải tổ của Liên hợp quốc. Quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược chung là một minh chứng cho thấy quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam đã tiến tới một giai đoạn mới, trở thành những đối tác phát triển thực sự bình đẳng. Chính phủ Việt Nam từ chỗ chỉ đơn thuần là bên nhận viện trợ ODA đã trở thành bên cùng dẫn dắt quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược chung và cùng trở thành chủ sở hữu của văn kiện hợp tác quan trọng này.
Ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, Chính phủ Đức đã coi Chương trình nghị sự 2030 cũng như các chính sách về khí hậu và năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Ông đánh giá Kế hoạch hành động là công cụ quan trọng hướng tới tăng trưởng kinh tế cân bằng, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam./.