TTTĐ.VN - Sau những ngày lễ, mỗi kì nghỉ hè, dịp cuối tuần các khu vui chơi, nơi thăm quan di tích của Hà Nội lại ngập ngụa trong... rác, vỏ lon, vỏ chai, túi nilon, vỏ hộp…. Một vấn đề khá nhức nhối đối với ngành du lịch Thủ đô hiện nay là sự thiếu ý thức của khách du lịch và cả người dân Hà Nội khi vô tư xả rác ở những điểm du lịch.
Mùa du lịch... mùa xả rác
Vài năm trở lại đây, nhiều công viên của Hà Nội được đầu tư khang trang, trở thành điểm đến vui chơi của người dân Thủ đô cũng như khách du lịch vào dịp cuối tuần, kì nghỉ lễ. Thế nhưng, nhiều đoàn khách du lịch hoặc các gia đình sống quanh khu vực mang theo đồ ăn, thức uống đến các khu vui chơi. Mặc dù có quy định không được ngồi trên bãi cỏ, người dân vẫn bất chấp ngồi nghỉ ngơi tại đây để có bóng mát.
Sau khi vui chơi, họ cùng nhau trải bạt trên vỉa hè, quanh công viên để ăn nhậu, xả rác rồi thản nhiên ra về. Những hộp đồ ăn, chai nước… được bỏ lại ngổn ngang trên bãi cỏ khắp công viên tạo nên cảnh nhếch nhác, làm xấu môi trường du lịch.
Nhiều người khi đến vui chơi tại công viên, ngồi trên các bãi cỏ ăn uống liên hoan, hồn nhiên xả rác và thản nhiên ra về... Ảnh minh họa.
Nhân viên lao công Chương Bích Thảo (tại Công viên Thủ Lệ) cho biết: “Một ngày chúng tôi dọn 2 lần sáng và chiều. Tuy nhiên, đến dịp cuối tuần hoặc mấy ngày nghỉ lễ, chúng tôi dọn không xuể. Công viên Thủ Lệ có 3 khu, thì mỗi mỗi khu phải dọn đến 7 xe rác”. Chị Thảo cho biết thêm, ý thức của người dân ở các khu công cộng quá kém. Họ vứt rác không đúng nơi quy định, vứt lên bãi cỏ, lối đi khiến cho người lao công thu dọn rác rất vất vả.
Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng kể trên cũng trở nên rất quen thuộc ở trung tâm Hà Nội, là khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm mỗi khi có sự kiện đặc biệt như tổ chức các lễ hội, giao thừa hay các ngày nghỉ lễ lớn. Que kem, giấy ăn đã qua sử dụng, xiên xúc xích, vỏ chai nước, vỏ bim bim, túi nilon đựng hoa quả dầm, bánh kẹo… nằm ngổn ngang, ngáng chân mọi người khiến họ cau mày khó chịu. Mặc dù đã có rất nhiều thùng rác công cộng được đặt trên các tuyến phố, thế nhưng nhiều người đến tham quan và vui chơi vẫn vô tư xả rác xuống đường.
Khơi dậy ý thức tự giác của du khách
Không chỉ du khách mới là người xả rác, mà những hàng quán, những người gánh hàng rong dọc các bãi biển cũng thi nhau xả rác quanh khu vực buôn bán. Các quán nước, quán đồ ăn mọc ra như “nấm” để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân. Tại các hàng quán này, chủ quán “vô tư” xả rác gây mất vệ sinh. Do đó, để giữ gìn môi trường du lịch cần sự chung tay của cả “chủ” và “khách”.
Vài năm gần đây, công tác giáo dục, tuyên truyền những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường du lịch biển. Tuy nhiên, chỉ sự nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thôi chưa đủ, ý thức chung tay giữ gìn cảnh quan, điểm đến ở mỗi du khách sẽ góp phần lớn nâng hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Hà Nội còn tích cực tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường trong chính đội ngũ nhân viên, lao động để từ đó lan tỏa ra cộng đồng. Ngoài các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tết trồng cây, các cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu và nguồn nước, tắt đèn vào giờ trái đất… các đơn vị kinh doanh du lịch còn thường xuyên tổ chức những việc làm thiết thực nhằm tác động trực tiếp vào ý thức của du khách và cộng đồng như nhặt rác, trồng thêm cây xanh.
Thành phố Hà Nội cũng có nhiều chỉ đạo sát sao, thiết thực về việc bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan đô thị. Các công ty vệ sinh môi trường, công ty thoát nước đã lao động hết công suất để trả lại cho môi trường cảnh quan sạch đẹp. Lòng sông Tô Lịch được nạo vét, các bãi rác dân sinh tự phát, rác thải xây dựng được thu gom sạch sẽ.
Tuy nhiên, với tình trạng xả rác bừa bãi còn phổ biến như hiện nay, có lẽ những chương trình tuyên truyền, kêu gọi giữ gìn vệ sinh chung là chưa đủ để khơi gợi ý thức xã hội của một bộ phận người dân “bảo thủ” với thói quen kém văn minh của mình.
Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP từ ngày 1/2/2017, những hành vi làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường công cộng sẽ bị phạt nặng. Thế nhưng, sau hơn nửa tháng nghị định có hiệu lực, rất ít trường hợp bị xử phạt. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng đã quy định rõ về việc cấm vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Việc xử phạt không được quy định rõ mà chỉ mang tính nhắc nhở, giáo dục, răn đe.
Do vậy, nên chăng các cơ quan chức năng cần triển khai chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, như lắp camera nơi công cộng và giao cho lực lượng chuyên trách (công an phường, thanh tra, trật tự công cộng…) xử phạt mạnh tay đối với những người vi phạm với bằng chứng "rành rành". Và, thông tin xử phạt có thể được đưa công khai lên các kênh thông tin xã hội.
(còn nữa)
Phương Thu