Đối với ngành văn hóa và du lịch, tiềm năng và lợi ích của việc số hóa là không thể phủ nhận.
Ví như với Nhà hát Lớn Hà Nội, công trình “Tham quan ảo” ra mắt vào đúng thời điểm nơi đây chuẩn bị mở tour tham quan du lịch cho du khách trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Ban quản lý Nhà hát tin tưởng, “đây là sản phẩm rất thú vị và có ý nghĩa về mặt văn hóa nhằm giới thiệu đến du khách trong nước cũng như quốc tế về công trình Nhà hát Lớn trên 100 năm tuổi”.
Về phía Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, một trong các công nghệ đó là số hóa các hình ảnh để quảng bá, giới thiệu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung, đặc biệt là các bảo tàng, các nhà hát với văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc. Qua đó, giới thiệu với công chúng và giúp họ tiếp cận với các di sản văn hóa này. “Đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xu thế phát triển ngày nay”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao việc phát triển, ứng dụng CNTT , cụ thể là số hóa các hình ảnh để quảng bá, giới thiệu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Ảnh: Gia Linh
TS Nguyễn Hồng Quang - đại diện nhóm tác giả thực hiện Dự án nghiên cứu và số hóa các di sản văn hóa, Viện Quốc tế Pháp ngữ cho biết, việc số hóa các di sản có ý nghĩa cho nhiều người.
Thứ nhất, nó giúp người dân có thể tiếp cận được di sản bởi không phải ai cũng có thể dễ dàng đến được một di sản. Thứ hai là cho phép chúng ta bảo tồn được nó, và giữ lại những tài liệu mà bình thường khó tiếp cận. Chúng tôi kết hợp giữa công nghệ và những giá trị văn hóa, nghệ thuật để đưa nó nhanh chóng vào cuộc sống và trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, để thực hiện số hóa di sản tại Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định.“Thực ra khó khăn chính là việc làm cho người sở hữu, quản lý công trình nhận thấy giá trị mà việc số hóa mang lại. Về mặt công nghệ thì trên thế giới đã làm được nhiều năm nay. Tôi nghĩ rằng cái mà chúng tôi đóng góp đó là sự kết hợp giữa công nghệ với văn hóa, kiến thức với công trình, với di sản. Khó khăn ở chỗ là mình đưa ra ý tưởng và thuyết phục được người quản lý di sản kết hợp và tìm ra được một nguồn tài trợ”, TS Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.
TS Nguyễn Hồng Quang - đại diện nhóm tác giả thực hiện Dự án nghiên cứu và số hóa các di sản văn hóa,
Viện Quốc tế Pháp ngữ. Ảnh: Minh Khánh
Hiện nay đã có nhiều đơn vị bắt tay vào số hóa di sản nhưng để trở thành một chương trình phổ biến thì chưa. Tôi hy vọng những cố gắng của mình sẽ tác động được đến những người đang quản lý di sản, sẽ được sự quan tâm của nhà nước, và có sự đầu tư nhất định để công việc được suôn sẻ.
Việt Nam không thiếu những di sản, mà thậm chí chúng ta có khá nhiều các di sản được quốc tế thừa nhận, được UNESCO công nhận. Làm thế nào để phổ biến, quảng bá được các di sản ấy ra thế giới, và cả với người dân trong nước? Với sự phát triển của internet, điều đó đã trở thành một công việc hoàn toàn khả thi.
Còn về phía ngài Frederic Alloid - Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết : điều cốt lõi của việc số hóa di sản văn hóa (vật thể cũng như phi vật thể) rõ ràng là lưu giữ lại những kỷ niệm, ký ức thông qua việc bảo tồn và tu bổ. Ngoài ra đó còn là công việc chuyển giao. Việc số hóa giúp phát huy giá trị các di sản. Sức mạnh của số hóa là việc có thể cho phép bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào có thể có được một trải nghiệm văn hóa đi kèm với nghe, chúng kết hợp với nhau, tương tác với nhau,
Ngài Frederic Alloid - Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Ảnh: Gia Linh
Xin trích dẫn phát biểu của ngài Frederic Alloid - Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thay cho lời kết“Để phục vụ cho lợi ích chung của mọi người, cho dù là tư nhân hay nhà nước, số hóa cũng là một công cụ hữu hiệu giúp khám phá, học hỏi và sẻ chia”…”. Tôi hy vọng dự án số hóa sẽ mở đường cho những phát kiến mới giữa Việt Nam và Pháp, nơi mà những công nghệ mới cho phép chuyển giao di sản của chúng ta đến hôm nay và mai sau”.
Gia Linh