Các nhóm hộ trồng rừng quy mô nhỏ tại ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hướng tới phát triển và quản lý rừng trồng bền vững với mục tiêu đạt được chứng nhận quản lý rừng quốc tế FSC cho 14.000ha rừng từ nay cho tới hết năm 2018.
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và WWF sẽ đồng hành cùng các đối tác địa phương của 3 tỉnh và các nhóm hộ trồng rừng trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ chủ rừng quy mô nhỏ quản lý rừng bền vững theo hướng tự nhiên và quá trình kiểm soát tính hợp pháp gỗ ở Việt Nam” (gọi tắt là BMEL) giúp họ đạt được mục tiêu quản lý rừng bền vững.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất trên thế giới với giá trị gỗ xuất khẩu gần 7,3 tỷ đô la năm 2016. Tuy nhiên, diện tích rừng đạt chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Việt Nam rất thấp, chỉ xấp xỉ 230.000 ha, trong khi đó các thị trường nhập khẩu có giá trị cao luôn đòi hỏi gỗ có chứng nhận này. Do đó, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu trung bình khoảng 4 triệu m3 nguyên liệu gỗ có chứng chỉ, dẫn đến bị phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu gỗ khác và không tận dụng được nguồn gỗ nội địa.
Từ những năm 2008, WWF đã hỗ trợ các chủ rừng nhỏ tại Quảng Trị đạt chứng nhận FSC cho rừng trồng của mình với giá gỗ bán ra lớn hơn 15% giá thị trường. Mô hình thành công này đã được nhân rộng ra hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Tới nay, diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ của nhóm hộ do WWF hỗ trợ đã lên tới 2.673 ha.
Ông Nguyễn Văn Sản, Quản lý dự án BMEL của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Dự án sẽ tiếp nối thành công của các giai đoạn trước nhưng sẽ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các nhóm hộ trong quản lý rừng bền vững mà còn giúp các nhóm xây dựng cơ chế quản lý, vận hành và được thừa nhận về mặt pháp lý với hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Công ty lâm nghiệp nhà nước HessenForst của Đức. Đây là mục tiêu lớn nhất của dự án nhằm đảm bảo mô hình này có thể phát triển và bền vững ngay cả khi dự án đã kết thúc.”
Theo đó, dự án sẽ làm việc với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và các cơ quan liên quan để thống nhất về cơ chế quản lý các nhóm hộ tại ba tỉnh, đồng thời xây dựng một quy chế hoạt động và cơ chế tài chính bền vững cho Hội chủ rừng Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các nhóm hộ, giúp họ có kỹ năng về huy động nguồn vốn và lập kế hoạch chiến lược lâu dài cũng là mục tiêu quan trọng của dự án. Một bộ tài liệu hướng dẫn quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sẽ được xây dựng và phổ biến cho các nhóm hộ, và nhân rộng ra các tỉnh khác.
Dự án ra đời trong bối cảnh Việt Nam đã ký tắt và sắp ký kết chính thức với châu Âu Hiệp định đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), theo đó các sản phẩm gỗ xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp khi xuất vào thị trường châu Âu. Trong khi đó, nhận dạng gỗ và giám định gỗ xuất nhập khẩu vẫn còn là một khó khăn lớn với các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam như cơ quan hải quan hay kiểm lâm. Trong khoảng 700 loài có dữ liệu trong ngân hàng nhận dạng gỗ Việt Nam, hầu như rất ít thông tin về các mẫu gỗ nhập từ châu Phi và các nước trong khu vực. Do đó, dự án sẽ phối hợp cùng với Viện Khoa học gỗ Thuenen của Đức, biên soạn một tài liệu nhận dạng gỗ gồm 100 loài thường được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết 20 loài thường gặp.
“Song song với việc tăng cường diện tích rừng đạt chứng chỉ quốc tế, sử dụng nguồn gỗ hợp pháp cho xuất khẩu nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ phải tham gia trong thời gian tới là điều vô cùng cần thiết. Do đó, chúng tôi muốn cung cấp thêm các công cụ hỗ trợ, mong giúp ích phần nào cho các cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm và hải quan trong kiểm tra, quản lý nguồn gốc gỗ nhập khẩu. Thực hiện được hai điều này, hình ảnh ngành xuất khẩu gỗ của chúng ta mới có thể nâng cao, tạo uy tín trong với các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật.” ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết.
Sau khi bộ tài liệu nhận dạng 100 loài gỗ này được hoàn thành, dự kiến vào tháng 5 năm 2018, dự án sẽ tổ chức các lớp tập huấn dành cho các cán bộ trong ngành kiểm lâm và hải quan, hướng dẫn sử dụng cuốn tài liệu.