Trong bối cảnh đang thiếu điểm vui chơi, việc ra đời không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm được coi là bước chuyển lớn, tạo sức hút mạnh đối với người dân Thủ đô và du khách. Sau 10 tháng triển khai thí điểm, tuy không tránh khỏi các bất cập nhưng nhìn chung không gian đi bộ đã phát huy hiệu quả, cơ bản tiệm cận với ý tưởng ban đầu đề ra.
Người đi bộ ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Điểm nhấn của du lịch Thủ đô
Cái được lớn nhất khi đưa không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm vào hoạt động là tạo một điểm vui chơi, giải trí đầy màu sắc văn hóa cho người dân và du khách. Đây được coi là điểm hẹn cuối tuần cho những người yêu Hà Nội, yêu sắc màu hồ Hoàn Kiếm, yêu các hoạt động nghệ thuật, các trò chơi truyền thống.
Có thể chứng minh, lượng khách ban ngày đạt từ 3.000-5.000 người nhưng buổi tối lên tới 15.000-20.000 người. Nếu có dịp đến không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào bất kỳ buổi tối nào trong tuần mới cảm nhận được sự đông đúc, náo nhiệt, cuốn hút của nơi này.
Đặc biệt, tại các điểm biểu diễn nghệ thuật khu nhà Bát Giác, đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước cửa Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, tượng đài Vua Lê, khu vực đồng hồ Thụy Sĩ, sảnh rạp Công Nhân… hay khu vực diễn ra các trò chơi truyền thống (kéo co, chơi ô ăn quan, nhảy dây…), khu vực đền Bà Kiệu đều thu hút rất đông người.
Ngay cả các điểm vẽ chân dung, viết thư pháp, nặn tò he, thổi bóng nghệ thuật cũng là điểm dừng chân trải nghiệm của nhiều du khách. Người lớn, trẻ nhỏ, người dân hay cả khách nước ngoài đều chung sự khấn khích, tạo sự gần gũi với nhau. Trong một không gian náo nhiệt nhưng cũng không kém phần lắng đọng, dường như mọi người có ý thức hơn, hài hòa hơn trong cách ứng xử.
Bác Nguyễn Đức Quân, sống tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, từ khi triển khai xây dựng khu vực đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không chỉ bác mà rất nhiều người dân Hà Nội phấn khởi. Bởi các điểm vui chơi của Hà Nội phục vụ cho mọi đối tượng của người dân còn rất ít, nhất là vào buổi tối. Hơn nữa, khu vực hồ Gươm là nơi linh thiêng của Hà Nội, mọi người đều muốn tới đây tận hưởng bầu không khí yên bình, thưởng lãm cảnh quan, không gian hồ.
Cũng không thể phủ nhận, từ khi hình thành không gian đi bộ, cảnh quan đô thị xung quanh hồ Hoàn Kiếm được cải thiện đáng kể, môi trường sạch đẹp hơn. Mặt đứng các công trình trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay được chỉnh trang, không còn hiện tượng mái che, mái vẩy lộn xộn. Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm còn vận động các gia đình, các cơ quan, đơn vị nằm trên tuyến đường này trồng hoa trên ban công và được nhiều người hưởng ứng.
Một mặt, quận cũng lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh đường dạo của hồ Hoàn Kiếm, các điểm di tích và một số công trình nhà ở có kiến trúc đẹp tạo hiệu ứng ánh sáng đẹp vào các buổi tối. Công tác vệ sinh môi trường được đặc biệt quan tâm bởi lượng khách tăng đột biến vào mỗi tối cuối tuần, lượng rác xả ra lớn rất nhiều lần so với ngày thường.
Cần khắc phục những tồn tại
Với một khu vực vui chơi, giải trí có quy mô tương đối lớn, lượng người tham gia đông, lại trong thời gian thí điểm nên không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm không tránh khỏi những bất cập. Thậm chí những bất cập này được chỉ ra ngay từ khi mới triển khai, quận Hoàn Kiếm cũng như các ngành liên quan đã tìm cách khắc phục nhưng chưa triệt để.
Trước hết, đó là tình trạng hàng rong vẫn tái diễn. Mặc dù, trước đó quận Hoàn Kiếm quyết liệt trong việc dẹp bỏ hàng rong nhưng chỉ yên ắng một thời gian, hiện lại tiếp tục xuất hiện với số lượng nhiều. Các đối tượng bán hàng rong đủ mọi thành phần, từ nước giải khát, đồ chơi trẻ em, quà vặt… là một trong những tác nhân làm cho tình trạng rác thải thêm bừa bãi. Chỉ đi một quãng đường từ khu vực tượng đài Lý Thái Tổ đến khu vực trước Nhà hát múa rối Thăng Long có thể thấy hàng chục đối tượng bán hàng rong.
Trình diễn múa lân trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Một vấn đề khác được người dân và du khách thường xuyên phản ánh là tình trạng dắt chó không có rọ mõm vào khu vực phố đi bộ, trượt xe patanh, xe điện cân bằng, ôtô, xe máy điện trẻ em. Trong đó lo ngại nhất là việc an toàn cho khách tham quan khi rất nhiều người không có ý thức, thường xuyên dắt chó vào khu vực này, nhất là những con to lớn. Với xe điện cân bằng, tháng 10 năm ngoái, tại khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã xảy ra trường hợp xe điện cân bằng va vào một cô gái đang đi bộ làm cô này bị choáng ngất, ngã xuống đường. Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.408 trường hợp bán hàng rong, 424 trường hợp cho thuê xe điện cân bằng, thu giữ 403 đôi giày patanh và xe điện cân bằng, nhắc nhở 5.360 trường hợp dắt chó không có rọ mõm nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại nhiều.
Một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải do thói quen của người dân và du khách chỉ gửi xe tại các điểm sát khu vực đi bộ. Trong khi các điểm khác xa hơn lại vắng người gửi như trên tuyến phố Quang Trung-Hai Bà Trưng. Chính vì vậy, phát sinh một số hộ dân gần khu vực đi bộ tận dụng vỉa hè trước ngõ hoặc trước cửa nhà tự ý trông giữ xe trái phép, thu giá cao gây bức xúc dư luận. Tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm vẫn còn hiện tượng ùn ứ, hiện tượng xe ôtô, xe máy dừng đỗ trước và sau hàng rào an ninh các chốt ra vào. Đặc biệt, phố Cầu Gỗ-đầu phố Đinh Tiên Hoàng-Hàng Đào-Hàng Gai thường xuyên ùn ứ giao thông cục bộ, do đây là nơi kết nối giữa không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội.
Trước những bất cập trên, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện trái phép, thu quá giá quy định, bố trí linh hoạt các điểm trông giữ xe, đặc biệt là các khu vực xung quanh các chốt ra vào không gian đi bộ. Để khắc phục tình trạng cho thuê giày patanh, xe điện cân bằng, ôtô điện tự phát, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức các điểm vui chơi của trẻ em tại các khu vực hợp lý, như trên phố Trần Nguyên Hãn. Tuy nhiên, khu vực này phải nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trải thảm mặt đường, bổ sung hệ thống chiếu sáng…
Lực lượng chức năng được tăng cường để xử lý triệt để các trường hợp hàng rong, xe cân bằng, xe điện sai quy định trong không gian đi bộ; đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân, các cơ sở kinh doanh và du khách phải bỏ rác đúng nơi quy định, gìn giữ vệ sinh môi trường, kết hợp với tăng cường xử lý phạt nghiên cứu hành vi vi phạm./.