Phát triển du lịch được quan tâm trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Nhiều thành quả đã đạt được thông qua quá trình phát triển du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng để lại nhiều vấn đề về môi trường ảnh hưởng đến phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Bờ biển Cửa Đại (Hội An) có nguy cơ sắp bị "xóa sổ" vì bị xói lở
Vấn đề môi trường tại các khu, điểm du lịch ở Việt Nam - Một số biểu hiện cơ bản
Cảnh quan du lịch không được tôn trọng
Cảnh quan khu, điểm du lịch đóng vai trò quan trọng tạo nên giá trị của khu điểm du lịch. Thời gian vừa qua, nhiều khu điểm du lịch được quan tâm quy hoạch, đầu tư, diện mạo các khu điểm du lịch trên cả nước có nhiều khởi sắc. Các công trình kiến trúc xây dựng đã được triển khai, các khu resort, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí và cung cấp dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch được quan tâm phát triển.
Tuy vậy, khá nhiều khu, điểm du lịch có giá trị rất cao về mặt cảnh quan, cần được khai thác và phát huy một cách hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy giá trị cảnh quan dường như bị xem nhẹ ở nhiều nơi. Việc không tôn trọng cảnh quan thể hiện qua việc xây dựng các công trình có quy mô, độ cao không phù hợp, kiến trúc ngoại quan công trình quá khác biệt do việc sử dụng các vật liệu không phù hợp với cảnh quan chung; bê tông hóa các khu, điểm du lịch; sử dụng và đưa vào các loại thực vật ở nơi khác không phải là thực vật có nguồn gốc tại chỗ…
Tài nguyên du lịch bị xâm hại
Có thể xác định, xâm hại tài nguyên phát sinh từ 2 chủ thể, từ những nhà đầu tư các dự án liên quan đến du lịch và từ khách du lịch là chủ thể của hoạt động du lịch. Đối với các nhà đầu tư, vấn đề lập dự án đầu tư, vấn đề đánh giá các tác động môi trường chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến việc coi thường, bỏ qua các tác động môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng, sử dụng và vận hành.
Đối với khách du lịch, trong quá trình phát triển các hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch, nhiều khách du lịch đã có những hành động chưa phù hợp, xâm hại ảnh hưởng đến giá trị của tài nguyên khu, điểm du lịch như: viết tên, khắc chữ lên các công trình kiến trúc, trên vách các hang động, trên thân và lá của các loại cây trong khu, điểm du lịch; bẻ cành, bẻ nhũ đá trong hang động….
Hành vi xả thải, ô nhiễm môi trường còn phổ biến
Vấn đề xả thải làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khu, điểm du lịch và liên quan, ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Nhiều địa phương, trong đó có địa phương có biển, bãi biển chưa có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra biển. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên bờ biển, hồ, sông các điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch chưa thực sự quan tâm đến việc thu dọn rác thải do hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Tại các điểm, khu du lịch hành động xả rác còn nhiều, mặc dù các khu điểm du lịch đã bố trí dụng cụ chứa rác thải tạo ra nhiều hình ảnh phản cảm.
Lý giải nguyên nhân
Quá tập trung vào lợi ích kinh tế
Với mục tiêu đạt được nhiều lợi ích kinh tế, tại nhiều nơi diễn ra việc phát triển quá nóng, phát triển chưa quan tâm, thiếu trách nhiệm đối với môi trường du lịch, từ đó dẫn đến việc bỏ qua các tác động tới môi trường.
Quy hoạch, đầu tư thiếu đồng bộ
Trong các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, các khách sạn, khu vui chơi giải trí, resort, các khu vực cung cấp dịch vụ du lịch, vấn đề đầu tư đồng bộ các phân khu chứa, xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường, đặc biệt là nước thải chưa được quan tâm. Hiện còn thiếu hệ thống biển báo hướng dẫn và các trang thiết bị thu gom rác thải phù hợp với cảnh quan, tính chất và kết cấu của khu, điểm du lịch.
Thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng quy tắc xã hội
Các chủ thể tham gia hoạt động du lịch còn thiếu ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, chưa tôn trọng các quy tắc xã hội trong các hoạt động đầu tư du lịch, tham gia hoạt động du lịch; một số chủ thể vì lợi nhuận đã cắt xén các hạng mục công trình liên quan đến bảo vệ môi trường, cắt xén lượng nhân công thu gom rác thải trong khu, điểm du lịch.
Khách du lịch chưa thực hiện nghiêm quy định của khu, điểm du lịch tạo nên những hình ảnh phản cảm ảnh hưởng đến môi trường.
Nền tảng giáo dục ý thức chưa đáp ứng được yêu cầu
Hiện nay, mặc dù các cấp đào tạo từ phổ thông đến đại học đều đưa giáo dục môi trường vào nội dung giảng dạy, tuy nhiên việc hình thành, nâng cao ý thức của các cá nhân chưa được như mong muốn; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo trong nhà trường và trong gia đình…
Văn hóa, môi trường xã hội truyền thống chưa thực sự văn minh
Nhiều người lớn tuổi chưa làm gương cho trẻ em trong việc ứng xử với rác thải, từ đó hình thành nên thói quen xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, không ít người Việt Nam chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân chứ không quan tâm đến lợi ích chung, có thói quen tùy tiện xả rác thải ra môi trường.
Hành lang pháp lý trong bảo vệ môi trường du lịch
Nhiều văn bản pháp luật được xây dựng và ban hành như Luật bảo vệ môi trường, Luật du lịch, Luật xây dựng… và các nghị định, thông tư liên quan được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, tuy nhiên những quy định, chế tài, mức phạt kinh tế đối với các hành vi xả thải bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường du lịch chưa cụ thể và chưa đủ mạnh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực còn thiếu
Việc đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất để chứa đựng, thu gom và xử lý rác chưa nhiều và đồng bộ, vị trí đặt các thùng chứa, thu gom rác chưa thuận tiện, chưa có sự phân biệt các loại rác thải một cách khoa học. Bên cạnh đó, ở nhiều điểm du lịch chưa bố trí đủ nhân lực để làm vệ sinh, thu gom rác thải, dẫn đến hiện trạng quá tải rác thải trong nội bộ khu, điểm du lịch.
Đề xuất những giải pháp cải thiện
Thứ nhất: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục môi trường, tạo lập thói quen đối với người dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo ở các cấp, đưa vấn đề bảo vệ môi trường với nội dung, thời lượng một cách phù hợp; đồng thời, có cách thức và hình thức phù hợp hơn trong triển khai các hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.
Thứ hai: Đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực du lịch, cần đánh giá tác động môi trường và thực hiện nghiêm túc các quy định về xả thải trong quá trình vận hành. Đối với các dự án đã được đầu tư, cần rà soát lại các hạng mục công trình, quy trình xử lý nước thải, rác thải đảm bảo theo đúng quy định. Các địa phương có tiềm năng du lịch cần quan tâm và có kế hoạch, lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, tránh không thải trực tiếp xuống các khu vực mặt nước như hồ đập, sông ngòi, biển…
Thứ ba: Thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch thông qua tuyên truyền, phổ biến về nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí Điểm du lịch xanh, Khu du lịch xanh, Đô thị du lịch sinh thái để áp dụng và phổ biến tương ứng với Tiêu chí Bông sen xanh áp dụng cho Khách sạn và Nhà hàng đã phát huy hiệu quả.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền đến các chủ thể, tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của các chủ thể, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, nhằm đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch.
Thứ năm: Tăng cường các hình thức và mức độ xử phạt những vi phạm về môi trường, đặc biệt là các hành động xả thải làm ô nhiễm cảnh quan, ô nhiễm môi trường không khí, nước, để đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Như vậy, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần giải quyết thấu đáo, tận gốc, xây dựng và hình thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân với môi trường, thực hành tốt nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm được phổ biến và ứng dụng thời gian qua. Bên cạnh đó, luôn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần sự gắn kết giữa gia đình và xã hội trong vấn đề bảo vệ môi trường du lịch.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn
Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL