Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính đang diễn biến xấu, gây ra những tác động không thể tránh khỏi đối với tương lai nhân loại.
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change số ra ngày 16/8, các nhà khoa học cảnh báo trong những năm tới, 50% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng ít nhất mỗi năm một lần, trong đó 25% phải hứng chịu các đợt nắng nóng có thể gây chết người.
Giáo sư Camilo Mora thuộc Đại học Hawaii cho biết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhân loại là “không thể tránh khỏi” ngay cả khi đạt được mục tiêu chính của Hiệp định Paris là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.
Cũng theo báo cáo trên, ngày nay, khoảng 30% cư dân địa cầu trải qua các đợt nắng nóng tồi tệ tại một số thời điểm trong năm. Kể từ đầu thế kỷ 21, nắng nóng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người. Riêng trong mùa Hè 2003 đã có hơn 70.000 người tử vong ở Tây Âu.
Cùng ngày, Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo nêu rõ, trong tương lai, nhân loại sẽ phải đối mặt với ba kịch bản gây ô nhiễm bởi khí carbon, trong đó các vùng nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trẻ em chơi đùa dưới vòi phun nước để tránh nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản ngày 9/8. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Theo báo cáo trên, Indonesia, Philippines, miền Bắc Brazil, Venezuela, Sri Lanka, miền Nam Ấn Độ, miền Bắc Australia, Nigeria và hầu hết các vùng Tây Phi có thể phải đối mặt với hơn 300 ngày nắng nóng nguy hiểm mỗi năm.
Ngay cả khi các nước đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu, các thủ đô như Jakarta (Indonesia), Caracas (Venezuela) và Manila (Philippines) cũng sẽ phải trải qua hơn 180 ngày “nắng nóng chết người.”
Thủ đô Washington của Mỹ sẽ chỉ phải hứng chịu 15 ngày nắng nóng/năm nếu mục tiêu của Hiệp định Paris đạt được, và ngược lại 85 ngày nắng nóng/năm nếu không có hành động nào khác để chống biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cảnh báo những đợt nắng nóng kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới ngành năng lượng cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng.