Việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã đưa du lịch Ninh Bình vào bản đồ du lịch quốc gia, hàng năm thu hút hàng vạn du khách trong nước và quốc tế. Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Ninh Bình nói chung và ngành Du lịch nói riêng đang rất nỗ lực để xây dựng một môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Trong đó Tam Cốc-Bích Động được chọn là điểm sáng để xây dựng hình ảnh du lịch Ninh Bình. Muốn đạt được điều này thì ngay từ bây giờ không chỉ các cấp, các ngành vào cuộc mà mọi người dân được thụ hưởng từ điểm du lịch này cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc thực hiện nếp sống văn minh du lịch.
Du khách thăm Tam Cốc
Vẫn còn những hành vi chưa đẹp
Hành vi ứng xử văn minh, thân thiện của những người làm dịch vụ du lịch sẽ góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn diễn ra tại Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động hiện nay đó là vẫn còn tình trạng người lái đò chèo thuyền bằng chân tạo nên hình ảnh không đẹp. Chị Nguyễn Thị Huyền (tỉnh Vĩnh Phúc) phản ánh: Tôi rất ấn tượng về cảnh đẹp tại các điểm du lịch Ninh Bình như Tràng An, Bái Đính, đặc biệt là Tam Cốc - Bích Động…, cách trải nghiệm du lịch bằng thuyền trên sông mang lại cảm giác thư thái, bình yên. Tuy nhiên, có một hành vi tôi cho rằng không mấy đẹp mắt đó là một vài lái đò chèo thuyền bằng chân. Tôi thấy trong khi du khách rất lịch sự, vui vẻ và xem việc chèo đò như một văn hóa trong du lịch Ninh Bình và người lái đò là hướng dẫn viên thì hành vi chèo đò bằng chân chắc chắn sẽ không được du khách hưởng ứng.
Không chỉ có thế, du khách Trương Thị Lan (Hòa Bình) cũng nói: Tôi đến Tam Cốc lần thứ 2 vì tôi cảm nhận thấy cảnh đẹp, môi trường trong lành, con người cũng khá thân thiện. Tuy nhiên, tôi không hài lòng với việc người lái đò ở đây hay vòi vĩnh, xin tiền của du khách. Nếu người phục vụ làm tốt trách nhiệm của mình thì chắc chắn du khách nào cũng sẽ bồi dưỡng thêm để cảm ơn. Còn việc gợi ý, xin thêm tiền làm cho du khách cảm thấy ức chế và không thoải mái.
Có thể thấy, trong chuyến du lịch, khi đến một địa phương nào đó, ngoài việc hưởng thụ các sản phẩm du lịch được cung cấp, du khách cũng quan tâm tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đời sống của cư dân nơi mình đến. Và sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương được thể hiện qua thái độ, cử chỉ sẽ là một yếu tố quan trọng tạo ấn tượng điểm đến trong lòng khách du lịch. Thời gian qua, ngành Du lịch Ninh Bình cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường du lịch ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những hành động cư xử thiếu văn minh với du khách như trên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và uy tín của du lịch Ninh Bình nói chung và Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nói riêng.
Nhiều người lái đò lý luận rằng việc chèo đò bằng chân giúp họ đỡ mệt mỏi và tốc độ đi cũng nhanh hơn theo đúng yêu cầu của khách. Bên cạnh đó, việc xin tiền du khách sau chuyến đi từ trước đến nay họ vẫn làm nên không coi đó là một hành vi không đẹp. Hoạt động dịch vụ du lịch chở khách đi thuyền trên sông tham quan, thưởng lãm vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ diễn ra khá phổ biến ở Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Vườn chim Thung Nham, Khu đất ngập nước Vân Long. So với các khu du lịch này thì quãng đường chở khách trên sông ở Tam Cốc-Bích Động không phải là quá dài. Chính vì vậy, người lái đò muốn được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động dịch vụ du lịch thì cần phải nâng cao hơn nữa ý thức cũng như chất lượng phục vụ đối với du khách.
Không thể dừng lại ở tuyên truyền
Qua trao đổi với lãnh đạo UBND xã Ninh Hải (Hoa Lư) và Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, chúng tôi được biết: Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động đã có những quy định cụ thể đối với lái đò đó là không được chèo thuyền bằng chân, không được xin tiền khách. Quy định là thế nhưng lại không có chế tài xử phạt nên việc chấp hành của người dân thiếu nghiêm túc. Việc chấn chỉnh hoạt động văn minh du lịch ở đây gặp nhiều khó khăn, do những quy định từ trước để lại. Số đò, số thuyền và số người tham gia vào dịch vụ chở đò này là không giống nhau. Hiện nay tại bến thuyền đang quản lý hơn 500 thuyền nhưng lại có tới trên 1.100 số đò, lượng người tham gia chở đò khoảng 650 người.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Xã Ninh Hải đã bám sát vào các văn bản chỉ đạo của tỉnh cũng như của huyện về việc thực hiện nếp sống văn minh du lịch, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường để từ đó có sự chỉ đạo đối với các thôn, xóm trên địa bàn chủ động phổ biến, giáo dục sâu rộng trong tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về nội dung, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh du lịch.
Ngoài ra, Ninh Hải còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp nơi công cộng, văn hóa thương mại, văn hóa giao thông cho những người làm dịch vụ du lịch ở địa phương. Xã cũng tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chấn chỉnh trật tự quảng cáo, thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm về an ninh trật tự để hướng tới sự bài bản, chuyên nghiệp, thực hiện nếp sống văn minh du lịch.
Có thể thấy, biện pháp khắc phục của chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu du lịch trong thời gian qua vẫn chỉ dừng lại ở tuyên truyền nên hiệu quả chưa cao. Thực tế, tại đây đã có những buổi ra quân, tập huấn như thế này nhưng sau đó thì thực trạng các hoạt động thiếu văn minh du lịch cũng chưa thực sự được chấn chỉnh. Điều đó đòi hỏi những giải pháp hữu hiệu hơn từ phía ngành chức năng.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước
Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: Ngoài việc tăng cường tuyên truyền thì để chấn chỉnh hoạt động văn minh du lịch có lẽ phải tính toán các chế tài xử phạt. Để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương, ngành chức năng và đơn vị doanh nghiệp trực tiếp quản lý.
Đặc biệt vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng Khu du lịch Tam Cốc - Bích động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn, trong đó tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, phấn đấu xây dựng Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Các ngành, các cấp theo chức năng khảo sát, lắp đặt bổ sung một số biển chỉ dẫn, biển báo giao thông trên tuyến đường vào và các tuyến giao thông nội bộ trong khu du lịch; chỉnh trang lại vỉa hè, dải cây xanh, dải phân cách trên tuyến đường vào khu du lịch. Rà soát, lắp đặt bổ sung đèn chiếu sáng tại một số khu vực trong khu du lịch thường xuyên có nhiều khách du lịch lưu trú. Kiểm tra, rà soát, đề xuất xây dựng, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn; hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại khu du lịch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra tình hình đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực gây phiền hà cho du khách, hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất mỹ quan trong khu du lịch. Thực hiện các biện pháp ngăn chặn người tàn tật, lang thang cơ nhỡ, ăn xin xuất hiện tại khu du lịch.
Tăng cường quản lý cư trú đối với hoạt động của người nước ngoài, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về cư trú, cho người nước ngoài không đủ điều kiện thuê trọ, thuê xe mô tô, ôtô; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh, cơ sở lưu trú. Đồng thời củng cố duy trì hiệu quả hoạt động của tổ tự quản về ANTT tại khu du lịch như: Tổ chèo đò, tổ thợ chụp ảnh, tổ xe ôm, tổ kinh doanh dịch vụ bán hàng và kinh doanh lưu trú du lịch...
Nguyễn Thơm