Kho báu & nỗi lo

Cập nhật: 21/08/2017
Với 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, Thừa Thiên Huế đang sở hữu một kho báu mà ít địa phương nào trong cả nước có được. Sự đời, có kho báu ai mà chẳng ham, nhưng nó cũng đặt ra bao vấn đề liên quan đến việc “cất giữ”, đừng để hư hỏng và bị đánh cắp, hơn thế là việc khai thác, làm giàu từ kho báu.

Năm 2016, Thủ đô Hà Nội tự hào là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm di sản. Thực tế cho thấy, Thủ đô có kho báu vô cùng to lớn là di sản văn hóa, nhưng trước đó trong kho báu kia có những gì cụ thể thì xem chừng cũng chưa thật tường tận. Đó chắc chắn cũng là thực trạng của các địa phương trên cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cho đến nay, Quần thể di tích Cố đô Huế được xem bao gồm những di tích lịch sử - văn hóa do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, còn cụ thể là bao nhiêu vẫn khó có câu trả lời chính xác.

Do chưa hiểu hết những giá trị của kho báu di sản nên dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trong công việc tu sửa và bảo tồn các di tích vẫn còn gặp phải một số “trở ngại” từ phía dư luận. Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ rất chặt chẽ... Rõ ràng, sẽ không phải “khổ” vì dư luận nếu công việc tu sửa, bảo tồn được thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định luật pháp và bởi những người có hiểu biết và tâm huyết. Điều này cũng đã được ghi rõ trong Luật Di sản, đó là phải “giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích” (điểm a, mục 1, điều 33).

Hệ thống tường thành kinh thành Huế là một trong những di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế. Thế nhưng, hiện vẫn còn có rất nhiều hộ dân sinh sống, dựng nhà cửa ngay trên các bờ thành này khiến cảnh quan di tích bị xâm hại. Khi quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khu vực Thượng Thành - Eo Bầu đã trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Có luật quy định rõ ràng nhưng trong quản lý thiếu sự kiên quyết nên kêu “khổ vì di sản” lại là điều đáng để suy nghĩ.

Sở hữu “kho báu di sản” nhưng không phát huy được hết các giá trị, chưa “làm giàu” được từ di sản cũng là một nỗi khổ khó lòng diễn tả. Việc nghiên cứu, khai thác các giá trị của di sản văn hóa để tạo thành những sản phẩm du lịch mới là cần thiết. Chúng ta đã chưa làm tốt điều này khi sản phẩm du lịch Huế dù được đánh giá là có tiềm năng nhưng đã và đang tỏ ra nghèo nàn và đơn điệu là bài toán khó đang làm đau đầu các nhà quản lý. Việc quản lý và khai thác các dịch vụ ở quần thể di tích Cố đô do vậy vẫn đang trong thế loay hoay đi tìm mô hình phù hợp. Trong khi đó, có nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn lại chưa được khai thác đúng mức, thậm chí còn đang bị bỏ quên, rất lãng phí.

Đã đến lúc, cần phải hiểu rõ những di sản văn hóa mà mình đang có. Tôi nghĩ, nó nhiều đến mức chủ nhân dù đã bỏ ra nhiều công sức rồi nhưng cũng phải tiếp tục có sự nghiên cứu, điều tra cặn kẽ và khoa học để biết mình đang có cụ thể những gì. Nó lại là báu vật quý và là thứ “độc bản” nên khi sử dụng và khai thác đòi hỏi phải có tri thức và sự hiểu biết nhất định, tuyệt đối không được nóng vội mà đòi hỏi phải công phu, tỷ mẩn và hơn thế, phải thực sự tâm huyết. Xem ra, lâu nay chúng ta chưa làm tốt những điều này nên mới có cái nghịch lý đáng buồn, kêu hoài, kêu mãi chuyện: “khổ vì di sản”.

ĐAN DUY

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế