Nằm trong khu vực chịu nhiều tác động bậc nhất của BĐKH ở nước ta, các tỉnh thành phía Nam đã bước đầu xác định các giải pháp lớn, phù hợp với điều kiện đặc thù.
Sóc Trăng, Bến Tre: Sớm có kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris
Trong số 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Bến Tre và Sóc Trăng là 2 tỉnh đã sớm ban hành được Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris về BĐKH cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre, sở dĩ tỉnh có thể hoàn thành nhanh chóng vì những nội dung triển khai Thỏa thuận Paris theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đều đã được tỉnh đưa vào các chỉ đạo trước đó. Cụ thể là Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH và nước biển dâng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó BĐKH tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020; Công văn chỉ đạo tăng cường thực hiện chính sách pháp luật về BĐKH của UBND tỉnh... Bởi vậy, kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris của tỉnh tiếp tục đưa vào triển khai các văn bản trên và cụ thể một số nhiệm vụ giao cho các Sở, ban ngành.
Nhìn chung, kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH giai đoạn trước, các giải pháp đều mang lại hiệu quả và nhận được sự đồng tình của nhân dân. Tuy vậy, hầu hết công trình, dự án mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ và giải quyết nhu cầu cấp thiết, lại cần thêm thời gian để nhân rộng. Bởi thế, giai đoạn 2016 – 2020, Bến Tre tập trung đầu tư các công trình trọng điểm ứng phó lâu dài, hoàn chỉnh đê biển, các tuyến đê và kè ven sông kết hợp phát huy vai trò của hành lang rừng ngập mặn.
|
Tỉnh Sóc Trăng ra quân trồng 20ha rừng ngập mặn ven biển ở huyện Trần Đề |
Để trữ nước ngọt sông Ba Lai cấp cho khu vực Bắc Bến Tre, tỉnh sẽ hoàn thành dự án Thủy lợi Bắc Bến Tre và dự án quản lý nước toàn tỉnh. Bên cạnh đó, kêu gọi hỗ trợ, đầu tư xây dựng đường ống dẫn nước ngọt từ thượng nguồn cấp cho khu vực Nam Bến Tre thông qua dự án Cấp nước sinh hoạt cho cù lao Minh. Khu vực ven biển, mỗi huyện sẽ xây dựng 1 công trình đập, cống phân đoạn trên các tuyến sông, kênh thành hồ trữ nước ngọt. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thu hút đầu tư phát triển điện gió khu vực ven biển và ứng dụng năng lượng mặt trời trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất; từng bước kiểm soát các nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tương tự, tỉnh Sóc Trăng chú trọng vấn đề chống xói lở, gây bồi và khôi phục hành lang rừng ngập mặn khu vực ven biển các xã Vĩnh Hải, Vĩnh Tân, Vĩnh Phước thị xã Vĩnh Châu; xây dựng đê bao chống ngập úng huyện Ngã Năm; nâng cấp hệ thống 268 cống, trạm bơm điện... Là một tỉnh thuần nông, những năm gần đây, Sóc Trăng đã triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH, chuyển đổi phương thức sản xuất tiết kiệm nước, chia sẻ lợi ích để khuyến khích người dân bảo vệ, phát triển rừng.
Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, 2 khó khăn lớn nhất là nhân lực và kinh phí. Nguồn tài chính duy trì các hoạt động thường xuyên về BĐKH eo hẹp. Các công trình can thiệp, thích ứng BÐKH nước biển dâng cần nguồn vốn rất lớn trong khi ngân sách Nhà nước cấp nhỏ giọt, hoạt động thu hút đầu tư quốc tế chưa đem lại hiệu quả. Về nhân lực, tỉnh đang thiếu nghiêm trọng cả về quản lý cũng như nghiên cứu chuyên sâu về BĐKH.
TP. HCM: Kế hoạch linh hoạt với thực tế
Thiếu nhân lực là khó khăn của đô thị lớn như TP. Hồ chí Minh. Theo ông Hà Minh Châu, Phó Chánh Văn phòng BĐKH TP. Hồ Chí Minh, BĐKH là lĩnh vực tương đối mới, phạm vi rộng nên các vị trí nhân lực quản lý hầu hết là kiêm nhiệm. Cơ sở dữ liệu về BĐKH đang trong quá trình hình thành nên thông tin, số liệu còn rời rạc, chưa có đầu mối tập hợp cũng như cơ chế chia sẻ hiệu quả. Thành phố đã rất nỗ lực thu hút kêu gọi các tổ chức quốc tế đầu tư nhưng nguồn kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu. Một mặt, thành phố chủ động ứng phó BĐKH với điều kiện địa phương, mặt khác cũng cần pahir có sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương trong việc xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý để chính quyền địa phương thực hiện và thu hút cộng đồng, doanh nghiệp tham gia.
Để công tác ứng phó với BĐKH đạt hiệu quả cao, kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh là phải thực hiện song song các công tác: Tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cả cán bộ và cộng đồng, đặc biệt là thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách BĐKH. Xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH theo từng giai đoạn, linh động tùy theo tình hình thực tế; lồng ghép các yếu tố BĐKH vào công tác quản lý ngành...
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, phát huy thế mạnh của địa phương trong thiết kế chương trình, dự án trên cả hai mục tiêu thích ứng và giảm thiểu.
Khánh Ly