Mới đây, ngày 16-8, UBND TP Hạ Long đã có công văn gửi các đơn vị, cá nhân liên quan về việc đề nghị không cho phép bà Phạm Yến Quỳnh (chứng minh nhân dân số 017185000300) có tên trong danh sách thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu du lịch. Lý do là nhân viên này đã không thực hiện nghiêm túc các quy tắc ứng xử và quy định về văn hoá, văn minh du lịch, gây tâm lý bức xúc đối với du khách, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long...
Theo phản ánh của một du khách ở Hà Nội, ngày 29-7, anh cùng nhóm bạn đi tham quan Vịnh Hạ Long trên tàu Hải Âu 10 - QN1179, theo tuyến 1. Theo lịch trình của tuyến có đến tham quan điểm Ba Hang, tuy nhiên nhân viên Quỳnh nói với du khách là không có. Và khi được góp ý thì nhân viên này tỏ thái độ thiếu văn hoá, gây tâm lý bức xúc cho du khách. Sự việc đã được du khách phản ánh đến cơ quan chức năng...
Với hành vi sai phạm này, UBND TP Hạ Long đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh không cho phép bà Phạm Yến Quỳnh có tên trong danh sách thuyền viên, nhân viên của tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, thời gian áp dụng 30 ngày, kể từ ngày UBND TP Hạ Long ban hành văn bản. Cùng với đó, đề nghị Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu thu hồi thẻ ra/vào Cảng đối với bà Quỳnh trong thời hạn trên. Đề nghị chủ tàu Hải Âu 10 - QN1179 tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, quy tắc ứng xử văn hoá, văn minh trong kinh doanh dịch vụ du lịch cho đội ngũ thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu du lịch...
Việc UBND TP Hạ Long đề nghị các đơn vị chức năng xử lý nghiêm đối với nhân viên Phạm Yến Quỳnh là rất cần thiết. Bởi chỉ có như vậy mới có thể nâng cao được chất lượng dịch vụ cũng như kỹ năng ứng xử văn hoá của đội ngũ thuyền viên, nhân viên làm việc trên các tàu du lịch đối với du khách tham quan Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Và đây cũng là bài học chung cho những tập thể, cá nhân tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch trên địa bàn TP Hạ Long nói riêng - nơi đang nỗ lực xây dựng trở thành thành phố du lịch và tỉnh Quảng Ninh nói chung...
Có thể nói thời gian qua, với việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long về UBND TP Hạ Long, công tác quản lý các hoạt động trên Vịnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ ràng. Bên cạnh số thu ngân sách từ các hoạt động tham quan Vịnh có sự tăng đột biến so với trước, thì tình hình an ninh trật tự, an toàn trên Vịnh cũng được đảm bảo tốt hơn. Những lời ca thán của du khách về tình trạng “chặt chém”, đeo bám trong bán hàng rong, chạy tàu không đúng tuyến, lịch trình, lấy trộm tiền, đồ của khách v.v. đã giảm đáng kể. Những hành vi, việc làm thân thiện, chu đáo, niềm nở đối với du khách được nhiều khách du lịch ghi nhận, đánh giá cao...
Tuy nhiên, với một trung tâm du lịch thắng cảnh lớn như Hạ Long, mỗi năm đón tới hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và một đội tàu du lịch lên tới gần 500 chiếc thường xuyên hoạt động trên Vịnh, thì việc quản lý không hề đơn giản. Do đó, để quản lý tốt và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách, thì sự chủ động, tích cực của các đơn vị nghiệp vụ, chức năng của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và chính quyền các cấp của thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát cần phải được tăng cường, sâu sát thực tế hơn nữa.
Bên cạnh đó là tổ chức và duy trì hiệu quả việc tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách, người dân về các hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn. Khi có những phản ánh, kiến nghị về những sai phạm trong hoạt động dịch vụ du lịch cần khẩn trương điều tra, kết luận và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh. Như vậy mới tạo được niềm tin cao nơi du khách. Và như vậy, Hạ Long càng có thêm lực hút đối với du khách gần xa...
Thanh Tùng