Lần đến với Côn Đảo của tôi là một khoảnh khắc khó quên để tìm lại dấu ấn lịch sử một thời kỳ đấu tranh hào hùng và bi thương của dân tộc. Ngỡ ngàng thay, Côn Đảo hôm nay đón tôi với một màu xanh bạt ngàn cây cỏ và một bầu không khí trong lành…
Rừng nguyên sinh Côn Đảo hiện ra trên lối đi dày đặc và phong phú với thảm thực vật xanh biếc, dầy đặc không chừa một khoảng trống, trải dài từ tận mép nước biển lên đến tận đỉnh núi. Lái xe bon bon trên con đường quanh co, uốn khúc để tận hưởng cảnh sắc một bên là núi cao trập trùng một bên là vách đá dựng đứng với làn nước xanh ngọc bích trong vắt, mênh mông đến tận chân trời. Rồi ngẫu hứng dừng lại chụp hình, ngồi đó hít hương vị biển chầm chậm, thật sâu và cảm nhận nó để tâm hồn trở nên thư thái hơn. Mùi của cơn gió mát lạnh, mùi đất, mùi cỏ sau mưa, mùi của làn mây dội thẳng vào mặt, hòa trộn tạo thành một mùi rất đặc biệt mà ở chốn thị thành ngột ngạt, căng thẳng, đầy bê tông, khói bụi không thể nào có được.
Ở đây, cảm giác như mỗi người dân trên đảo từ lái xe taxi đến người bán hàng quán đều ít nhiều hiểu biết về lịch sử mảnh đất này, dẫu cho họ là những người tứ xứ về đây lập nghiệp. Dẫn đường cho chúng tôi là một tài xế taxi quê từ ngoài Bắc, bác tâm sự: Cũng bôn ba nhiều miền đất nước, nhưng số phận lại run rủi đến với hòn đảo xinh đẹp này. Hợp đất, hợp người nên ở lại đây làm ăn cũng đã tới 7 - 8 năm nay rồi. Những năm trước, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng mấy năm gần đây, du lịch tăng tốc, kinh tế phát triển nhanh, cái gì đất liền có đảo cũng có, sống ở đây như sống trong thiên đường mặt đất mà không nơi nào tôi thấy có được, đặc biệt là khí hậu vô cùng trong lành.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ảnh:MH
Quả đúng như vậy, Côn Đảo có 16 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 6.000 ha, trong đó, có 4.905 ha đất có rừng. Rừng ở Côn Đảo được bảo vệ nghiêm ngặt, không bị cháy hay chặt phá nên độ che phủ rừng của cây ở đây cao nhất nước chiếm 81%. Rừng thực sự là lá phổi xanh giúp cho Côn Đảo có đủ nguồn nước ngọt cung cấp phục vụ sản xuất và đời sống của dân trên đảo. Cây rừng Côn Đảo phong phú, đa dạng với 882 loài, 562 chi, 161 họ. Tại đây có các loài cây thuộc thực vật cổ sinh thái như: Thiên tuế, gắm, các cây họ na; có loài cây mang tính chất Đông Dương như: bứa, cọc rào; mang tính chất cây nhiệt đới châu Phi như: Bàng, chiêu liêu. Thực vật ở rừng Côn Đảo phong phú đa dạng, được xem như hệ thực vật thu nhỏ ở Việt Nam. Ở đây có cây lát hoa của rừng miền Bắc, cây dầu cát của rừng Tây Nguyên, cây đước, vẹt của rừng Nam Bộ.
Động vật rừng Côn Đảo rất phong phú với 144 loài động vật có xương sống, 69 loài chim, 39 loài bò sát, lưỡng thê. Về tài nguyên sinh vật biển, Côn Đảo có 3 hệ sinh thái chính: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái san hô. Bò sát biển có 7 loài, trong đó có ba loài rùa biển có số lượng lớn đang sinh sống và thường lên đẻ trứng trên các hòn Bảy Cạnh, hòn Cau. Mỗi năm, vào mùa sinh nở có tới trên 1.000 rùa mẹ được sự bảo hộ của cán bộ Vườn Quốc gia Côn Đảo và có tới 100.000 rùa con được trả về với đại dương. Cá biển ở Côn Đảo có tới 160 loài thuộc 28 họ. Theo đánh giá của các nhà khoa học, tài nguyên sinh vật biển Côn Đảo thuộc dạng giàu có và đa dạng nhất ở Việt Nam. Cán bộ công nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo đã vượt nhiều khó khăn để thực hiện tốt chương trình phòng chống cháy rừng, khoanh nuôi phục hồi, vệ sinh rừng và các chương trình dự án bảo tồn đa dạng sinh học biển, chương trình cứu hộ rùa biển. Tất cả nhằm giữ cho vẻ đẹp Côn Đảo - viên ngọc quý phía Đông Nam Tổ quốc.
Mỗi năm có trên 1.000 rùa mẹ sinh nở tại Côn Đảo. Ảnh: MH
Vòng quanh thăm Côn Đảo, đi đến đâu tôi cũng nghe nhiều du khách bàn tán về chuyện linh thiêng ở nghĩa trang Hàng Dương. Và cảm giác linh thiêng có phần kỳ bí ấy chúng tôi cũng trải qua khi đi viếng nghĩa trang, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ Cách mạng và đồng bào yêu nước, nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài suốt 113 năm đen tối. Nghĩa trang Hàng Dương lặng lẽ mà sâu lắng, từng chiếc lá rơi, từng nắm đất cỏ úa vàng trong làn gió nhẹ mơn man, vẫn còn ấp ủ trong đó biết bao số phận đã bị vùi chôn. Những mộ bia tuy nhỏ bé, đìu hiu bỗng trở thành tượng đài cao vời vợi in đậm trong lòng mọi người, như nhắc nhở chúng ta phải sống cho xứng đáng với tiền nhân, với những anh hùng liệt sỹ đã nằm xuống nơi này.
Cảm xúc với những chiến sỹ yêu nước bị ngục tù lên cao khi người hướng dẫn viên giới thiệu "địa ngục trần gian" ở xứ Đông Dương với hệ thống các chuồng cọp và nhà tù chính trị, với Cầu tàu Côn Đảo mà nhiều người kể lại để làm cảng, cầu tầu, mỗi phiến đá là hàng chục mạng người ra đi. Hướng dẫn viên du lịch cũng nhắc lại con số 871; 914; 915 để tưởng nhớ số người đã chết trong lúc xây dựng Cầu Tàu. Nhưng con số đó mang tính ước lệ và chắc chắn là chưa đủ.
Khi chúng tôi viếng mộ chị Võ Thị Sáu cũng là lúc quá nửa đêm… Đáng ngạc nhiên là khung cảnh nghĩa trang Hàng Dương lại nhộn nhịp hơn ban ngày, người bán đồ lễ cho chúng tôi biết: “Đêm nào cũng vậy, cứ từ lúc nửa đêm cho tới 2 - 3 giờ sáng, người ta từ khắp nơi, sáng đi máy bay ra Côn Đảo thăm các di tích nhà tù, vui chơi, rồi đêm về đi viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Số lượng người đông như trẩy hội, vào những ngày lễ, Chủ nhật, càng đông hơn nhiều. Tấm gương hy sinh cao đẹp của chị Võ Thị Sáu được mọi người sùng bái như một vị thánh”…
… Bình minh Côn Đảo với những tia nắng ló dạng từ biển trong trẻo đến mê hoặc lòng người. Mặt trời nhô lên trên mặt biển làm cảnh vật Côn Đảo lại trở nên sống động, rạng rỡ. Những tia nắng hình dẻ quạt đổ xuống mặt đất như từng dòng mật của trời đang từ từ chảy xuống mặt biển khiến nó rực rỡ những gam màu với các góc độ khác nhau lấp lánh kim cương, dát vàng, dát bạc. Gió biển nhẹ nhàng êm ái, hiu hiu thổi mang theo hơi ẩm của biển mơn man trên tóc, trên mặt. Tất cả tạo nên một cảm giác thật sảng khoái, dễ chịu. Chúng tôi tranh thủ qua Bến Đầm, để có cảm giác nhộn nhịp bán buôn trên bến dưới thuyền ở một cầu cảng lớn nhất trên đảo, thăm chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Tự sơn, ngôi chùa được mệnh danh là có phong thủy đẹp nhất Việt Nam khi lưng tựa núi, cửa hướng biển cùng hàng loạt các địa danh du lịch khác như lăng mộ bà Phi Yến, bãi biển Đầm Trầu…
Gần 2 ngày trên đảo, ra về cảm giác tiếc nuối chưa được thưởng thức hết những danh lam thắng cảnh trên hòn đảo nhỏ mà xanh tươi xinh đẹp này là tâm tư của không ít du khách khi lần đầu đến đảo. Mong rằng, màu xanh ngút ngàn của núi rừng và những bãi tắm đẹp đẽ, cát trắng trải dài cùng không khí trong lành sẽ luôn là “đặc sản” giúp cho Côn Đảo ngày càng thêm giàu đẹp…
Minh Thư