Xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái với những hình ảnh đặc trưng, có cảnh quan hài hoà, xanh đẹp và chất lượng cuộc sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đó là định hướng phát triển Hội An trong tương lai.
Hội An là thương hiệu văn hoá và du lịch của Quảng Nam và cả nước, là thành phố được nhiều người biết đến, đang sở hữu khu phố cổ – một di sản văn hoá thế giới và một Khu dự trữ sinh quyển thế giới – Cù Lao Chàm. Nhưng Hội An hiện đang đối mặt với những thách thức không đơn giản của cuộc sống hiện đại. Biến đổi khí hậu, bão lụt là mối đe doạ thường xuyên ở đô thị cửa sông – ven biển này. Mật độ dân số hiện cao gấp 7 lần mức bình quân của cả nước và gấp gần 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới đang cảnh báo chính quyền sở tại hằng ngày. Sự phát triển kinh tế “quá nóng” thời du lịch thịnh hành ngay trong lòng di sản đã làm mất cân bằng, trở thành nguy cơ “tự đánh mất” của Hội An. Khoảng cách phát triển, sự phân cực giàu nghèo giữa cộng đồng dân cư nội thành và ngoại ô, giữa phố cổ với phần còn lại... cũng đang là vấn đề nan giải.
Bảo tồn, giữ gìn phố cổ làm hạt nhân cho sự phát triển của thành phố- Ảnh: Đỗ Huấn
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo thành phố đã định hướng xây dựng Hội An thành thành phố “sinh thái – văn hoá và du lịch”. Chọn xây dựng thành phố theo hướng “sinh thái – văn hoá và du lịch” là chọn con đường phát triển bền vững. Hội An trong tương lai phải là một thành phố có bản sắc, kết tinh những gía trị văn hoá truyền thống trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá trên cả 2 mặt: văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể.
Để bảo tồn bản sắc khu phố cổ với tư cách như hạt nhân của sự phát triển, từ nhiều năm nay lãnh đạo thành phố không chỉ ban hành nhiều chủ trương, quyết sách có liên quan đến trùng tu di tích mà còn hướng tới bảo vệ, giữ gìn bằng được cảnh quan vùng đệm, vùng ngoại ô, chú trọng tập trung hơn cả là cảnh quan các làng nghề truyền thống, mảng xanh vườn ruộng, sông nước...
Ông Trần Ánh – Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: “Điều chỉnh phân vùng phát triển thành 3 khu vực, đó là Đô thị, Biển đảo và Làng quê.
Theo đó, khu vực đô thị lấy khu phố cổ làm trung tâm. Khu vực này cần bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy tối ưu các giá trị của khu phố cổ, xác định khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển KTXH của thành phố, phát triển Tân An, Thanh Hà trở thành những khu đô thị, dịch vụ chất lượng, hiện đại, kết hợp các yếu tố đặc trưng về sản xuất nông nghiệp, sông nước, cồn bãi, xây dựng Cẩm Nam, Cẩm Châu phát triển theo hướng vừa đô thị vừa làng quê, tổ chức không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững.
Khu vực Biển đảo gồm phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tranh thủ các nguồn lực giải quyết căn bản hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm phát triển tuyến du lịch Cù Lao Chàm đảm bảo chất lượng, hoàn thiện các khu dân cư, chỉnh trang đô thị ven biển, xây dựng khu sinh thái Cù Lao Chàm và khai thác hợp lý tài nguyên biển đảo để phát triển.
Khu vực Làng quê, định hướng xây dựng các làng quê sông nước gắn với các ngành nghề truyền thống, quy hoạch không gian phát triển, kiến trúc xây dựng đảm bảo phù hợp, không bị phá vỡ trong quá trình bị tác động đô thị hóa”.
Hội An không xây dựng thành phố sinh thái theo dạng các dự án biệt lập hoặc những mẫu hình riêng lẻ mà xây dựng liên hoàn các yếu tố trong một chỉnh thể thống nhất của một thành phố tổng hoà các đặc điểm: kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững.
Ông Trần Chương – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho rằng, xây dựng thành phố sinh thái, Hội An một mặt vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc riêng đã hun đúc qua nhiều thế hệ, của một cảng thị cửa sông – ven biển, mặt khác vẫn tiếp tục phát triển hiện đại, năng động nhưng đậm tính nhân văn, bền vững. Thách thức đối với Hội An là phải đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, vừa bảo tồn nguyên vẹn khu phố cổ và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm vừa phải đầu tư mở rộng liên hoàn hài hoà các khu đô thị sinh thái mới, các khu đô thị biển, các khu dân cư ngoại ô, vùng nông thôn mới.
“Đầu tư công trình phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đặc biệt ưu tiên các công trình đầu tư phát triển kinh tế cho cả vùng và cho cả thành phố để phát huy hiệu quả việc đầu tư. Trong kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt có các chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch, trùng tu di tích, chương trình xây dựng nông thôn mới, Biển Đông – Hải đảo, đê kè biển... đang được triển khai, cần phải có kế hoạch và giải pháp thu hút các nguồn vốn này”, ông Chương đề nghị.
Mục tiêu của Hội An không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững về KTXH mà còn bền vững về môi trường, trong đó nhân dân là chủ thể sáng tạo và đồng thời là mục tiêu hướng tới.
Đỗ Huấn