Việc bảo tồn cầu Long Biên từ bấy lâu nay đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng đó là vấn đề cấp thiết. Đặc biệt, phải coi nó như một thiết chế văn hóa thực sự, có kịch bản trùng tu từng phần nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Cầu Long Biên là "điểm sáng" , là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội... Nguồn ảnh: HNMO
Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ “ứng xử” với cầu Long Biên ra sao? Có nên dừng hay vẫn giữ vai trò là công trình giao thông kết hợp phục chế, cải tạo thành công thành công trình văn hóa để phát triển du lịch di sản?
Ở các nước Châu Âu, từ nửa sau thế kỷ XIX người ta đã nhắc tới khái niệm cổ kính và cổ vật, tiếp đó là di tích kiến trúc, di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích văn hóa. Đến thế kỷ XX xuất hiện những khái niệm bao trùm và thấu triệt hơn như: di sản lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản đô thị, di sản thiên nhiên… Ngày nay, với nhận thức rộng mở và khách quan, con người cũng lưu ý tới việc giữ gìn những gì còn lại của giai đoạn đã đi qua. Như vậy, điều tất yếu là cần phải coi những công trình lịch sử đó là di tích hoặc di sản.
Cùng với khu phố cổ, khu phố Pháp, Hoàng thành Thăng Long… thì cầu Long Biên cũng chính là một trong những thành tố gốc, là hạt nhân không thể thiếu trong hệ thống di sản đô thị Hà Nội. Chính bởi vậy, cách ứng xử hợp lý hơn cả là xuất phát từ sự nhìn nhận, đánh giá của mỗi người. Và nên làm như thế nào để có thể “sử dụng” một cách tích cực giá trị của cây cầu trong đời sống đương đại mới là điều kiện quyết định cho việc duy trì, đem lại hiệu quả hữu ích, khả thi.
Như chúng ta đã biết, Hà Nội có hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Tuy nhiên việc sử dụng những không gian đó để tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, dành cho đông đảo quần chúng và có khả năng níu chân khách vẫn còn lúng túng. Liệu có thể hy vọng vào “không gian văn hóa - cầu Long Biên”? Thực tế cho thấy, cây cầu này chính là một công trình, một địa điểm có sự thu hút về nhiều phương diện. Chẳng phải thế mà nó đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho những người đam mê nhiếp ảnh hay du khách đến với Hà Nội, đem lại cảm hứng sáng tạo cho những người yêu và gắn bó với thành phố này để tạo nên những khung hình tuyệt đẹp đó sao? Nếu sau khi trùng tu, cải tạo thích nghi thành công thì cầu Long Biên có thể trở thành một viên nam châm hút khách, góp phần giải quyết sự nghèo nàn về “thực đơn” văn hóa và du lịch vốn chưa phải là thế mạnh của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên để có thể làm được điều đó không đơn giản là đưa ra duy nhất mà cần kết hợp đồng bộ nhiều phương án khác nhau. Bởi, nếu với phương án biến cầu Long Biên trở thành một cây cầu có chức năng kết nối giao thông bằng cách nâng cấp, hiện đại hóa quả thực là không ổn. Còn nếu biến cầu Long Biên thành một điểm tham quan thuần túy cũng không khả thi và hơi máy móc vì thiết nghĩ chắc hẳn sẽ không có ai bỏ tiền ra chỉ để “ngắm” cây cầu rồi về?
Trong số những hội thảo từng được tổ chức nhằm thu thập đóng góp của các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, đã có nhiều ý kiến nhất trí cho rằng: đến lúc cầu Long Biên dừng công năng giao thông và phục chế trở lại với hình dáng nguyên gốc ban đầu để phát triển du lịch văn hóa. Sở dĩ phần lớn đồng tình với phương án đó vì đây là cầu rất hiếm hoi, vừa được xem như chứng nhân lịch sử, thành tựu kỹ thuật, mang ý nghĩa văn hóa, lại tạo nên khung cảnh và điểm nhấn cho Thủ đô. Có thể nói rằng, việc tu sửa Cầu Long Biên và phát triển khu vực quanh cầu để tạo ra một không gian văn hóa, nghệ thuật và giải trí đặc sắc là một trong những ý tưởng độc đáo về nhiều mặt, vừa bảo tồn được một công trình có giá trị lịch sử, vừa tạo thêm không gian công cộng, văn hóa và nghệ thuật hấp dẫn, khẳng định “thương hiệu” và hình tượng đô thị của Hà Nội.
Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử, là chứng tích trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, hình ảnh cây cầu đã đi vào tiềm thức của người dân. Vì vậy cây cầu này xứng đáng trở thành một bảo tàng sống, thành một điểm sáng văn hóa và du lịch ở Hà Nội. Đó cũng chính là tiềm năng của du lịch di sản đô thị trong tương lai.