Di sản muốn “sống” được, phát huy bền vững đều phải dựa vào cộng đồng, bởi cộng đồng chính là cái nôi, môi trường để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Với Hà Nội, nơi có hơn 5.900 di tích và hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể, yếu tố cộng đồng được coi trọng hơn bao giờ hết. Cùng với những cố gắng trong công tác quản lý nhà nước về di sản, Hà Nội luôn gắn kết cộng đồng với di sản văn hóa để cộng đồng nuôi dưỡng và phát triển các giá trị quý của di sản.
Lễ rước voi trong ngày khai hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Tồn tại nhờ những đam mê
Từ hàng nghìn năm qua, di sản đã bén rễ trong cộng đồng dân cư, song hành cùng đời sống tinh thần người dân qua từng thế hệ. Di sản làm đời sống văn hóa thêm phong phú, là nơi gửi gắm khát vọng sống của con người và cũng là nơi gắn kết cộng đồng. Không phân biệt độ tuổi, người ta đến với di sản bằng sự nhiệt huyết, say mê, giải tỏa những nhọc nhằn, lo toan trong đời thường. Đó là yếu tố quan trọng để di sản được gắn bó bền chặt trong lòng dân.
Nhìn vào hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm mới thấy hết tinh thần cộng đồng trong gìn giữ di sản cha ông của người dân. Trước khi tổ chức hội Gióng vài tháng, làng trên, xóm dưới nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội, chiêu tìm ông Hiệu, cô Tướng, người tham gia đội Phù Giá, phường Ải Lao, ông Hổ… với sự cẩn trọng. Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu hè, thời tiết nắng nóng nhưng vẫn thu hút hàng vạn người tham dự. Họ tin và tự hào những ván cờ do ông Hiệu đánh trong hội trận mang may mắn cho dân làng trong cả năm, tin nhân vật ông Hiệu mang lại vinh dự cho gia đình, dòng họ.
Điệu hát dô xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai bị thất truyền hơn 60 năm nhưng nhờ đam mê của bà Nguyễn Thị Lan, vốn di sản quý đã được khôi phục. Hội hát dô chỉ tổ chức 36 năm một lần, sau mỗi lần hát phải làm nghi lễ cất tráp vào đền như: Khăn, váy áo, quạt, túi đeo đựng trầu, sách hát, ai phạm vào sẽ rước họa vào thân. Hội cuối cùng tổ chức năm 1926, đến năm 1989 khi Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai về sưu tầm lại điệu hát dô, bà Nguyễn Thị Lan quyết tâm khôi phục điệu hát cổ của quê hương, vận động các cháu trong làng tham gia câu lạc bộ hát dô của xã.
Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, ban đầu cũng không tránh khỏi nỗi lo sợ vì phạm vào lời nguyền. Bên cạnh đó, nhiều gia đình ngăn cản không cho con cháu tham gia nhưng với tình yêu và trách nhiệm với di sản quý, bà đã vượt qua tất cả. Dần dần, nhiều người cũng vì cảm kích tấm lòng của bà, cùng bà gây dựng lên câu lạc bộ hát dô với thành viên đến nay lên tới hàng trăm người.
Các di sản khác như: Lễ hội thổi cơm thi ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; lễ hội kén rể ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh; điệu múa cổ con đĩ đánh bồng ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; điệu múa Giảo Long ở làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên; hát trống quân ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ… đều được cộng đồng gìn giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác.
Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần có nhiều thay đổi nhưng với những gì thuộc về truyền thống luôn được người dân bảo tồn với thái độ trân trọng. Sự tồn tại của nhiều di sản ở Hà Nội đã chứng minh điều đó.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Trúc (CLB Ca trù Thăng Long) biểu diễn tiết múc ca trù Tì Bà Hành. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Mạch nguồn vẫn chảy
Bên cạnh ý thức gìn giữ di sản của cộng đồng, không thể không nhắc đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bởi di sản “sống” được trong cộng đồng nhưng sự tồn tại bền vững và sức lan tỏa của nó phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa.
Những năm qua, chính quyền địa phương cũng như ngành Văn hóa - Thể thao Hà Nội luôn có những động thái tích cực hỗ trợ cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Mặc dù số lượng di sản ở Hà Nội lớn nhất cả nước, sức bao quát rộng nhưng thành phố chưa có nhiều chương trình, hành động để khơi nguồn cùng cộng đồng phát huy các giá trị di sản.
Với nhiều di sản quý, Hà Nội hỗ trợ tổ chức các lớp trao truyền với người tham gia ở chính địa phương đó, đặc biệt chú trọng tới lớp trẻ. Những năm qua, các câu lạc bộ ca trù, hát trống quân, hát dô, chèo tàu, múa con đĩ đánh bồng… đã đào tạo, hun đúc đam mê cho rất nhiều người.
Nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội cho biết, mặc dù ca trù kén người nghe, người hát, nghệ sĩ phải yêu ca trù mới theo được nên việc thu hút người học rất khó. Nhưng để gìn giữ di sản ca trù rất cần quan tâm đào tạo người trẻ và thời gian qua chị đã đào tạo cho không ít ca nương hát được ca trù.
Tại các địa phương, nhiều nơi quan tâm mở lớp, hỗ trợ một phần kinh phí để các câu lạc bộ dạy hát ca trù. Tuy điều kiện của các câu lạc bộ còn khó khăn nhưng bằng cái tâm và nhiệt huyết của mình, họ luôn coi trọng đào tạo lớp trẻ. Điển hình như câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh; câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên.
Thành phố Hà Nội cũng vừa hoàn thành kiểm kê di tích và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, là địa phương đi đầu cả nước thực hiện công tác này. Việc kiểm kê, đánh giá di tích nhằm nhận diện giá trị, lập danh mục, nắm bắt hiện trạng về hệ thống di tích, trên cơ sở đó góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản.
Cũng thông qua kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, ngành Văn hóa - Thể thao lập được bản danh mục văn hóa phi vật thể đang tồn tại ở cơ sở, phát hiện di sản nguy cơ mai một để có biện pháp bảo tồn khẩn cấp. Đối với những di sản có giá trị cao thực hiện nghiên cứu sâu hơn để có giải pháp bảo tồn tốt nhất. Đặc biệt, thành phố cũng lập được bản đồ di sản văn hóa phi vật thể.
Hàng năm, ngành Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức nhiều liên hoan nghệ thuật, tôn vinh những điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như: Liên hoan ca trù, liên hoan chầu văn, liên hoan múa cổ, tôn vinh các nghệ nhân… Bên cạnh đó, hàng năm, thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử nhằm gìn giữ di sản cho muôn đời sau.
Đinh Thị Thuận (TTXVN)