Công viên thực tế ảo “Đi tìm Hoàng cung đã mất” là một trong những dự án trọng điểm được triển khai thực hiện tại khu di sản Huế trong năm 2017. Kinh phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng nhưng mang sự kỳ vọng lớn về một dịch vụ giải trí công nghệ cao, nhằm thu hút du khách đến với Hoàng cung Huế và tạo thêm điểm đến hấp dẫn trong hành trình tham quan di sản miền Trung.
Xem Hoàng thành Huế từ phim phục dựng bằng công nghệ 3D
Công viên thực tế ảo với chủ đề “Đi tìm Hoàng cung đã mất” là dự án dịch vụ chiếu phim giải trí sử dụng công nghệ 4D, do Công ty TNHH IV COM (công ty con tại Việt Nam, thuộc công ty mẹ UnderDog Studio tại Hàn Quốc) đầu tư. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp chuyên môn và tạo điều kiện về mặt bằng; nguồn vốn hoàn toàn do UnderDog Studio đầu tư.
Các hoạt động chiếu phim giải trí thực tế ảo sẽ diễn ra tại Trung tâm thông tin và diễn giải lịch sử Hoàng thành Huế. Trung tâm này được dựng theo mô hình lắp ghép tại khu vực phía đông điện Thái Hòa, dễ dàng tháo dỡ khi cần thiết. Công trình rộng hơn 300m2, kiến trúc ngoại thất hài hòa với cảnh quan chung của Đại Nội, đồng thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung về bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong khu di sản Huế.
Sau chiến tranh, khu vực Hoàng thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thuỷ. Được sự quan tâm của Nhà nước, thời gian qua, Đại Nội là khu di sản được ưu tiên đầu tư trùng tu, bảo tồn nhiều công trình kiến trúc, nhưng do kinh phí hạn chế nên vẫn còn nhiều công trình quan trọng chưa được phục hồi. Việc tái dựng trọn vẹn Hoàng thành Huế bằng kỹ thuật công nghệ 3D, 4D không chỉ cung cấp thêm dịch vụ giải trí hấp dẫn cho du khách mà còn là cơ sở dữ liệu hữu ích để về sau phục hồi các công trình di tích đã mất.
Mục tiêu của dự án là tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cho Đại Nội; tăng cường chất lượng trải nghiệm cho du khách khi đến với khu di sản Huế và tạo cảm xúc cho du khách bằng cách tái hiện hình ảnh di sản hóa Huế bằng công nghệ thực tế ảo.
“Đi tìm Hoàng cung đã mất” sẽ scan lại toàn bộ các công trình kiến trúc trong Đại Nội, kết hợp cứ liệu lịch sử, xây dựng thành những câu chuyện lịch sử và tạo ra không gian mà khi đeo kính chuyên dụng vào, thì dù thực tế một di tích chỉ còn nền móng, nhưng du khách vẫn thấy trước mắt là một công trình hoàn chỉnh và có thể trực tiếp tương tác với kiến trúc ấy. Dự án đã được các ban, ngành góp ý, có sự thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh cũng đã đồng ý về mặt chủ trương. Nếu kịp, đầu năm 2018 chúng tôi sẽ đưa dịch vụ chiếu phim giải trí thực tế ảo vào hoạt động. Có dịch vụ này, Huế là khu di sản đầu tiên ở Việt Nam và một trong ba khu di sản trên thế giới đưa công nghệ tiên tiến này vào phục vụ du khách, cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc”, TS. Phan Thanh Hải cho biết.
Năm 2007, trong khuôn khổ dự án “Phục dựng hình ảnh di tích Huế bằng công nghệ kỹ thuật số” thuộc chương trình trao đổi cấp nhà nước giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, Trung tâm BTDTCĐ Huế và Viện Khoa học kỹ thuật cao Hàn Quốc đã phối hợp thực hiện một bộ phim về Hoàng thành Huế bằng công nghệ 3D, trong đó tái hiện lại một Hoàng thành uy nghi, trọn vẹn. Năm 2010, thành quả tiếp tục của sự hợp tác này là một bộ phim sử dụng công nghệ kỹ thuật số 3D để tạo dựng hình ảnh nổi về đấu trường Hổ Quyền, nơi tranh hùng giữa voi và hổ.
Hiện, cả hai bộ phim này đều đang được trình chiếu tại khu di sản Huế và “níu chân” được rất nhiều du khách trong hành trình tham quan Đại Nội. Với sự có mặt của “Đi tìm Hoàng cung đã mất”, hy vọng Hoàng thành Huế không chỉ có thêm sản phẩm dịch vụ giải trí mới mà còn là sự chọn lựa hấp dẫn cho du khách khi trải nghiệm cùng di sản văn hóa Cố đô Huế.
ĐỒNG VĂN