Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông mang một vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính và hoài niệm. Pù Luông có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với những bản làng đặc trưng của người Thái, núi non, sông suối đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Đường lên Pù Luông quanh co tựa như một con rắn hổ mang khổng lồ đang trườn về với đại ngàn hùng vĩ, vượt qua chặng đường hơn trăm cây số gian khó, núi rừng Pù Luông hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ đẹp thơ mộng. Tiếng chim rừng ríu rít hòa với tiếng suối chảy róc rách, núi rừng hùng vĩ tất cả tạo nên một bức tranh nên thơ và rất đỗi trữ tình. Âm vang của núi rừng, chim muông, cái mát lạnh thấm vào từng hơi thở. Lướt qua vài dãy núi những bản làng của đồng bào dân tộc Thái, Mường bắt đầu hiện lên rõ nét hơn. Những mái nhà sàn cổ đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ruộng bậc thang quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Pù Luông những ngày này nắng dịu dàng, e ấp như một thiếu nữ, từng cơn gió mang theo cái mát lành của đại ngàn hùng vĩ. Nắng chạy dọc trên sườn núi, trải dài trên những nương lúa chuẩn bị tới độ gặt. Cảnh đẹp nên thơ khiến nhóm người chúng tôi không cưỡng lại nổi, ai cũng phải dừng xe chụp đôi ba bức ảnh làm kỉ niệm cho chuyến hành trình lên với Pù Luông hùng vĩ.
Son, Bá, Mười là điểm tới đầu tiên của chúng tôi. Để tới được đây phải vượt qua con dốc Piêng Thồng Tống, một bên là vách núi dựng đứng, sắc lẹm và hun hút mây mù. Đỉnh cao nhất và cũng nguy hiểm nhất là Phà Hé – trên 2000m so với mặt biển. Con đèo chính là trở ngại lớn nhất khiến Son Bá Mười không thể giao thương với thế giới bên ngoài.
Son, Bá, Mười là ba bản làng nhỏ của đồng bào dân tộc Thái, nằm trên đỉnh Pù Heng (Cao Sơn). Đồng bào nơi đây vẫn còn giữ nét sinh hoạt truyền thống, những ngôi nhà sàn với hai bếp lửa. Mỗi buổi chiều buông nắng, khói bếp quện với sương mù mà lâu rồi ở thành phố xa hoa chúng tôi không còn được cảm nhận và lại nhớ về tuổi thơ nơi làng quê nghèo.
Thác Hiêu – điểm đến lý tưởng cho những ai ưa khám phá
Từ trên đỉnh Pù Heng, nhìn xuống những rừng trúc nối tiếp chạy qua những dãy núi đẹp như rừng Na Uy đang độ xanh tốt. Tiếng mõ trâu chăn thả trong rừng leng keng hòa với tiếng hót líu lo của chim rừng. Son, Bá, Mười còn đặc trưng với khí hậu “một ngày có bốn mùa”, mang đến cho du khách cảm giác thư thái, mát lạnh được ví như Sapa của xứ Thanh. Chúng tôi được cùng đồng bào vào rừng hái măng, tìm rau rừng, sâu tre rồi nấu trên bếp củi với ánh lửa bập bùng. Son, Bá, Mười cũng là địa danh duy nhất ở Thanh Hóa có hoa đào nở hai mùa trong năm. Hình ảnh em bé ngủ trên lưng mẹ vẫn còn lưu luyến mãi.
Chia tay Son Bá Mười, chúng tôi đi dọc suối Nũa qua các bản Cao, Nũa của xã Lũng Cao. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông phát triển mạnh mẽ đã tạo điều kiện cho sự ra đời của mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Sẽ bắt gặp khá nhiều những ngôi nhà sàn Homestay dùng để kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ ăn ở cho khách tham quan. Với hình thức khám phá, sống với tự nhiên tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống người dân trong các bản làng người Thái, Mường.
Anh Hà Văn Tê, chủ Homstay sinh thái Hà An - ở bản Nũa, xã Lũng Cao chia sẻ: Nhà sàn của gia đình tôi đã được nâng cấp làm nhà ở cộng đồng Homestay có sức chứa 30-40 khách, phục vụ ăn, ở cho du khách. Do mô hình Homestay là của hộ gia đình nên anh Tê vừa làm “ông chủ” quản lý, lại kiêm luôn làm đầu bếp nấu các món ăn đặc sản dân tộc, hướng dẫn viên tham quan du lịch vòng quanh khu Pù Luông.
Những ngôi nhà sàn đơn sơ cổ kính nép bên sườn núi đẹp nên thơ.
Khu du lịch sinh thái suối thác Hiêu, thuộc bản Hiêu xã Cổ Lũng, cũng là điểm đến lý tưởng không thể bỏ qua khi tới Pù Luông. Thác Hiêu là điểm yêu thích, khám phá của dân phượt và du khách nước ngoài. Cung đường từ thị trấn Cành Nàng lên thác Hiêu rất đẹp với những thửa ruộng bậc thang lúa vàng sắp tới vụ thu hoạch, những guồng nước được làm từ tre nứa rất phổ biến ở đây. Thác Hiêu căng tràn sức sống, mang theo nguồn nước mát lành của núi rừng với bảy tầng tựa như tầng mây. Tiếng thác nước rào rào, những dòng nước cuồn cuộn chảy, tung bọt trắng xóa, nước trong veo và mát lạnh. Tới đây du khách còn được tham gia phiên chợ phố Đòn, họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Du khách sẽ có nhiều lựa chọn cho những món quà đặc sản, đậm chất riêng.
Pù Luông Retreat là nơi cuối cùng chúng tôi khám phá trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nằm sát đường quốc lộ 15C, thuộc bản Đôn, xã Thành Lâm. Ở đây có những món nướng đặc trưng của người dân tộc Thái như gà, thịt lợn rừng ăn cùng với măng đắng, cơm lam, rau ngót rừng. Pu Luong Retreat - khu nghỉ dưỡng theo mô hình sinh thái, là một lựa chọn lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên.
Ông Lê Thế Sự - Giám đốc kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, vui vẻ nói: “ Pù Luông đang dần khởi sắc với phát triển du lịch. Thế nhưng, phát triển du lịch cũng sẽ phải giữ vững hệ sinh thái của khu bảo tồn, đảm bảo môi trường. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành động săn bắn, mua bán thú rừng, thực vật rừng đến phục vụ kinh doanh".
Pù Luông đang khởi sắc và đến gần với khách du lịch hơn. Hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai ưa du lịch khám phá sinh thái.
Thanh Tâm