Chuyển mình ở điểm đến Hoàng thành Thăng Long

Cập nhật: 29/09/2017
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với những giá trị di sản, kiến trúc, văn hóa được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Để tiếp tục phát huy và xứng đáng với Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2017 - Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam, nơi đây đang chuyển mình mạnh mẽ, dần đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Đa dạng các trải nghiệm

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long rộng hơn 18ha, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, tại đây đã có nhiều tour tham quan đặc sắc và khác biệt. 

Du khách tham quan Di sản Hoàng thành Thăng Long

Với tour tham quan tổng thể, du khách có dịp thưởng ngoạn qua những công trình kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn ở trục chính tâm Hoàng thành như Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội), Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, Di tích cách mạng nhà và hầm D67, Khu di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu. Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã mở cửa khu trưng bày gốm và vật dụng thời Lê sơ và thời Lê trung hưng cho du khách thưởng lãm. Điểm thú vị nhất trong tour tham quan này có lẽ là cơ hội tận hưởng nguồn nước giếng hoàng cung trong vắt, ngọt ngào để uống hay rửa mặt từ hệ thống bơm thiết kế theo mô hình ống tre, ở Khu di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu.

Bên cạnh đó, tour tâm linh về nguồn khá phù hợp với phụ nữ và người lớn tuổi. Du khách sẽ tham quan qua 3 điểm là di tích nền điện Kính Thiên - nơi đặt gian thờ 52 vị tiên đế, khu vực Hậu Lâu - nơi thờ các hoàng hậu, công chúa và Bắc Môn - nơi thờ hai vị Tổng đốc bảo vệ thành Hà Nội, đồng thời tham gia lễ dâng hương trang trọng.

Tour tham quan kết hợp với vui chơi, trải nghiệm dành cho trẻ em ở đây cũng khá thú vị, thường mở cửa vào chủ nhật hằng tuần. Ngoài ra, ở Hoàng thành Thăng Long còn có tour khám phá về đêm kết hợp với xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào những ngày lễ. Mỗi dịp trung thu, tại Hoàng thành Thăng Long lại đón khách tham gia các chương trình vui chơi, trải nghiệm văn hóa truyền thống. Như năm nay, từ ngày 28-9 đến 4-10, khu vực này có chương trình “Vui Tết Trung thu 2017”.

Hiện nay, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long mở cửa cho khách tham quan thông tầm vào các ngày trong tuần (trừ thứ hai). Sắp tới, tại đây, du khách sẽ được cung cấp wifi miễn phí và sử dụng ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone…

Đáp ứng từng nhu cầu tham quan

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nằm ở vị trí thuận lợi để kết nối với các di tích nổi tiếng của Thủ đô như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các làng cổ, phố cổ, khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đánh giá, đây là điểm đến hấp dẫn và thuận lợi để liên kết tổ chức các chương trình city tour đặc sắc ở Thủ đô. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nên phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn để xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch phù hợp, đẩy mạnh truyền thông nhằm truyền tải giá trị nổi bật của Di sản văn hóa thế giới đến với công chúng.

Theo ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, bên cạnh việc bảo tồn những giá trị quý giá của Hoàng thành Thăng Long thì việc khai thác, xây dựng những chương trình tham quan phù hợp với từng đối tượng và thị trường khách sẽ là biện pháp tốt để giáo dục truyền thống, phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch Thủ đô.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, mỗi đối tượng khách lại có nhu cầu tham quan, tìm hiểu khác nhau. Chia sẻ về việc doanh nghiệp của mình đang xây dựng tour du lịch quanh Hà Nội, trong đó có điểm đến chính là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, ông đề xuất, điểm đến này nên đầu tư phòng chiếu phim 3D, có sơ đồ tham quan chi tiết với lộ trình phù hợp... Ngoài ra, nơi đây cần có thêm các điểm dừng chân có ghế đá, gian hàng lưu niệm để du khách nghỉ ngơi, có thêm trải nghiệm.

Nằm trong kế hoạch phát triển chương trình city tour Hà Nội của doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Vietrantour Nguyễn Thị Huyền mong muốn có sự liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội với các doanh nghiệp để phục vụ du khách tốt nhất.

Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những gợi ý khác, như đầu tư các dịch vụ đi kèm về thử trang phục vua chúa, chụp ảnh, quầy bán tài liệu, băng đĩa, postcard… Ông Nguyễn Xuân Thọ, đại diện Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Hà Nội nêu ý tưởng liên kết với các nhà sưu tập tư nhân để trưng bày các bộ trang sức, đồ dùng vật dụng của công chúa ở khu vực Hậu Lâu, hoặc định kỳ tổ chức những chương trình tái hiện sinh hoạt cung đình, biểu diễn nghệ thuật truyền thống...

Ông Trần Việt Anh cho biết, đây cũng là những gợi ý thiết thực để Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có những thay đổi, điều chỉnh nhằm xây dựng sản phẩm du lịch Hoàng thành Thăng Long phong phú, tạo bước chuyển thu hút du khách tới đây.

Yên Nga

Nguồn: Báo Hà Nội mới