Sáng ngày 29/9/2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Hội Bảo tồn Di sản Văn hoá Đức (GEKE) phối hợp tổ chức Lễ khởi công và triển khai thực hiện Dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên, Đại nội Huế do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ thông qua Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, cùng với nguồn vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến tham dự buổi lễ có Ngài Christian Berger - Đại sứ nước CHLB Đức tại Việt Nam cùng phu nhân và nhóm chuyên gia Đức, Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành trong tỉnh, đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, các nhà nghiên cứu khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đã đến tham dự và đưa tin về buổi lễ.
Bà Andrea Teufel, Quản lý dự án phát biểu tại buổi lễ
Dự án đã được UBND tỉnh tiếp nhận và phê duyệt thực hiện với tổng kinh phí là3.651.063.000 VNĐ, tương đương với 143,328.91 Euro. Trong đó, ngân sách tài trợ của Bộ Ngoại giao CHLB Đức là 112,554.75 EURO. Dự án sẽ chính thức được thực hiện vào đầu tháng 10/2017 và dự kiến đến tháng 11/2018 sẽ hoàn với sự tham gia của chuyên gia bảo tồn có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm đến từ Đức, Ths. Andrea Teufel cùng với các thành viên tham gia dự án là những người thợ thủ công đến từ các công ty tu bổ di tích Trung ương tại Huế và Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ngài Christian Berger - Đại sứ nước CHLB Đức tại Việt Nam và Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi lễ
Dự án sẽ được thự hiện với hai nội dung chính: (1) Phát triển và áp dụng phương pháp phục hồi chân xác đối với kỹ thuật fresco (kỹ thuật sơn màu nước trên nền vữa tươi) và khối kiến trúc có kết cấu vữa màu theo các tiêu chuẩn quốc tế công nhận về bảo tồn và phục hồi, cũng như theo quy định của UNESCO tại công trình Cổng, Bình phong và Non bộ Điện Phụng Tiên; (2) Và đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại chỗ (lý thuyết và thực hành) và cấp chứng chỉ đào tạo nghề về bảo tồn và phục hồi công trình di tích cho thợ thủ công từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị tu bổ di tích tại Huế nhằm bổ sung nguồn nhân lực am hiểu kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn, phục hồi di tích Huế nói riêng và định hướng đào tạo cho các thợ thủ công lành nghề ở các công ty tu bổ ở Việt Nam trong tương lai.
Nguồn tài trợ của các đối tác Đức là sự ghi nhận thành quả tích cực của quá trình hợp tác lâu dài và hữu nghị trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trong thời gian qua giữa Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và giữa Đại sứ quán CHLB Đức và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói riêng. Đồng thời, thêm một lần nữa đánh giá hiệu quả cao của các chương trình hợp tác và mối quan tâm của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại Cố đô Huế. /.
Thanh Bình - Hoài Hương