Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế còn trên 150 nhà vườn có giá trị lịch sử và văn hóa. Việc bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đang được địa phương này triển khai nhằm giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch vùng đất cố đô.
Không gian một nhà vườn đặc trưng xứ Huế tại thành phố Huế - Ảnh: VGP/ Thế Phong
Là kinh đô của triều Nguyễn, hệ thống làng, xã và phủ ở Thừa Thiên-Huế đã phát triển mạnh với hàng nghìn ngôi nhà vườn mang đậm kiến trúc của ngôi nhà Việt. Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế còn hàng trăm ngôi nhà vườn, trong đó có trên 150 nhà vườn Huế có giá trị lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, trải qua thời gian, hiện nay rất nhiều nhà vườn Huế đã xuống cấp trầm trọng và không còn giữ được nguyên trạng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trần Song cho biết, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, hầu hết các chủ nhà vườn không có điều kiện thực hiện tu bổ và trùng tu nhà vườn của mình.
Trước thực tế đó, năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” giai đoạn 2015-2020. Trong giai đoạn 1 của Đề án (2015-2017), 14 nhà vườn Huế đặc trưng có giá trị lịch sử và văn hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ trùng tu. Đến nay, đã thực hiện hỗ trợ trùng tu được 8/14 nhà vườn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,2 tỷ đồng.
Tại làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế có gần 30 nhà vườn mang nét đặc trưng của Huế. Từ đầu năm 2017, huyện Phong Điền đã thực hiện hỗ trợ trùng tu 3 nhà với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng và lập dự án kinh tế-kỹ thuật 2 nhà vườn theo nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu văn hóa của Bộ VHTT&DL (mỗi căn nhà được hỗ trợ 750 triệu đồng).
Một trong những chủ nhà vườn tham gia Đề án, ông Hồ Xuân Doanh phấn khởi cho biết, việc trùng tu, tôn tạo nhà vườn có giá thành rất cao và khó bảo đảm thực hiện bài bản. Với sự hỗ trợ của tỉnh, người dân có cơ hội thực hiện trùng tu và tôn tạo nhà vườn của mình, giữ gìn những giá trị truyền thống qua bao đời của gia tộc để lại và có cơ hội để phát triển du lịch, dịch vụ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, để phát huy giá trị nhà vườn sau khi trùng tu, tôn tạo được gắn với phát triển du lịch và dịch vụ. Hiện UBND tỉnh đã xác định việc gắn kết nhà vườn với du lịch là một sản phẩm riêng có của Huế.
Thời gian vừa qua, ngành du lịch tỉnh và các công ty du lịch, đơn vị lữ hành đã rất nỗ lực để triển khai mô hình du lịch homestay tại các nhà vườn Huế, bước đầu đã đem lại tín hiệu tích cực, tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách, nhất là đối với khách du lịch nước ngoài.
Phát huy kết quả đó, trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ ưu tiên một phần ngân sách tỉnh để tiếp tục thực hiện trùng tu, tôn tạo nhà vườn. Bên cạnh đó, sẽ triển khai hỗ trợ các chủ nhà vườn về các loại giống cây để tạo cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của nhà vườn; đề nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi vay vốn cho các chủ nhà vườn đầu tư hạ tầng kinh doanh dịch, bảo đảm tính bền vững của các nhà vườn Huế sau trùng tu, tôn tạo.
Thế Phong