Nhân kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 và 55 năm ngày thành lập TP. Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) sẽ tổ chức trưng bày đặc biệt mang tên “Mẹ - con, thơ, nhạc - cuộc đời”.
Lựa chọn những hiện vật chưa từng công bố, với hình tượng người mẹ là trọng tâm, trưng bày hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem nhiều xúc cảm chân thực thông qua từng hình ảnh, hiện vật, các tổ hợp trưng bày và hoạt động trải nghiệm phong phú.
Nhiều hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại Bảo tàng
Những bài học mẹ dạy con Theo bà Nguyễn Thị Ngân (Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam): “Trưng bày được tổ chức với ý nghĩa tôn vinh người mẹ với những hi sinh thầm lặng cho gia đình, con cái. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi người con…”
Hành trình của trưng bày sẽ đưa du khách đến với nhiều không gian trải nghiệm thú vị, với hình tượng trung tâm là mẹ. Bà Nguyễn Thị Ngân cũng cho biết, “Mẹ - con, Thơ, nhạc - cuộc đời” là một trưng bày tổng quan có tính khám phá, giáo dục trải nghiệm lần đầu tiên được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện. Đây là nỗ lực đổi mới của Bảo tàng nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm ngày càng cao của công chúng.
Điểm nhấn ở trưng bày chính là những xúc cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người, nơi mà hai tiếng gia đình và những hi sinh thầm lặng của mẹ được khắc ghi sâu sắc. Theo ông Vi Văn Biên, cán bộ Bảo tàng, các trưng bày về chủ đề mẹ- con từ trước tới nay chưa được giới thiệuhệ thống tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Thực tiễn đó đã thôi thúc Bảo tàng tập trung nghiên cứu nội dung, đưa ra ý tưởng trưng bày, trải nghiệm với chủ đề “Mẹ - con, thơ, nhạc- Cuộc đời”.
Các nội dung trưng bày sẽ dẫn dắt cảm xúc của người xem đi qua nhiều cung bậc, với các tổ hợp được bài trí công phu như:Mẹ tròn con vuông,Chín tháng mười ngày, Hình hài của bé, Chiếc nôi và lời ru của mẹ, Ấp ủ yêu thương,Kết nối bước chân đầu đời của bé, Tuổi ấu thơ con lớn lên từng ngày, Nỗi nhớ- tình yêu- ứng xử vẹn toàn, Tình mẫu tử qua khói lửa chiến tranh, Chắp cánh ước mơ cuộc đời, Mẫu hiếu cuộc đời, Mẹ trong hành trang tôn giáo… Ở mỗi nội dung, người xem cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những lát cắt văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số Việt Nam liên quan đến tình mẫu tử. Tiêu biểu có thể nhắc đến các cụm trưng bày, trải nghiệm về các nghi lễ đầy tháng của người Nùng, nghi lễ đầy tháng "mãn nhét" của người Tày,nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của người Mông,nghi lễ thổi tai và đặt tên cho trẻ của dân tộc Ê Đê; lễ đặt tên của người Rơ Măm…
Mang đến những không gian sinh động là nhiều hoạt động trải nghiệm được thiết kế chi tiết, bài bản. Đó là các nhóm học sinh thi hát ru, đọc thơ về công lao cha mẹ;nghe lời mẹ dạy bằng những câu ca dao, tục ngữ; thực hành những công việc mà mẹ vẫn làm, từ gấp tã, xay bột, quét nhà, đi chợ, thổi cơm, cách ăn, mặc…tích tụ tri thức,sáng tạo qua các điệu múa minh họa, là những bài học người mẹdạy con biết làm việc nhà, biết học ăn, học nói, học gói, học mở và biết ứng xử xã hội, trân trọng tình làng nghĩa xóm…Không chỉ dừng ở tri thức dân gian, kiến thức mẹ dạy còn bao trùm những vấn đề đương đại, giải đáp cho con một cách tinh tế nhưng đủ đầy: con sinh ra từ đâu? Hãy biết ứng xử thông minh khi con có nguy cơ bị xâm hại…
Đặc biệt là những bài học mẹ dạy con trẻ biết chữ nhẫn, biết chịu thương chịu khó… “Đối với các cô con gái, ngoài việc dạy cách trồng bông dệt vải, người mẹ còn dạy con cách kén chồng, nuôi dạy con cái và cách ứng xử trong gia đình. Nhiều bài học cho con đã được đúc kết thành sách cũng sẽ được khắc họa chân thực, sinh động ở trưng bày này…”, bà Ngân cho hay.
Tìm hiểu cối xay ngô dân tộc Mông tại Bảo tàng
Để khắc họa chân thực những nội dung trưng bày, nhiều hiện vật, tài liệu thuộc kho Bảo tàng đã được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là những vật dụng sinh hoạt giản dị của đời sống gia đình được tái hiện như bếp lửa, bộ bàn uống nước, đèn, chum, nồi, xoong, hay hàng chục hình ảnh về các làng bản, nhà ở, hình ảnh chăm sóc, nuôi dạy con cái của đồng bào các dân tộc, về tình mẫu tử qua những năm tháng chiến tranh, cả mẹ và con đã vượt qua tình yêu bản thân, gia đình, dành trọn cho tình yêu quê hương, đất nước…Trong rất nhiều những góc cạnh nội dung thể hiện theo năm tháng, trưng bày còn có một phần câu chuyện về đất và người Thái Nguyên trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển.Theo các cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cáchoạt động trải nghiệm được khắc họa đậm nét có thể điểm xuyết lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, gắn liền với hướng dẫn trẻ làm việc nhà, dạy con điều hay lẽ phải, trải nghiệm nối sợi lanh, thêu hoa văn, khâu ghép vải một số mẫu hoa văn đơn giản, khâu quả còn, làm quả Pao; xay thóc, giã gạo, dần sàng…
“Trong nhiều trải nghiệm, đáng chú ý là một số nội dung hứa hẹn thu hút sự quan tâm của công chúng như đưa trẻ tới trường thời kỳ phong kiến; lớp bình dân học vụ thời kỳ chiến tranh chống Pháp, Mỹ; học làm việc nhà… Các học sinh tham gia sẽ cùng nhau tạo nên một không gian sinh động mà ở đó, hình ảnh những người mẹ Việt Nam tần tảo xay, giã, dần, sàng nuôi con khôn lớn sẽ được thể hiện một cách đẹp đẽ và bình yên nhất…”, Giám đốc Nguyễn Thị Ngân chia sẻ.
Nỗi nhớ và hoài niệm về mẹ
Ở chủ đề “Nỗi nhớ, tình yêu, ứng xử vẹn toàn”, trưng bày khắc họa về những hoài niệm nhớ thương của mỗi cuộc đời, trong đó hình ảnh của mẹ luôn hiện lên với nhiều xúc cảm. “Nỗi nhớ về tuổi thơ, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ về những món ăn mẹ nấu, nhớ người mẹ cả đời chịu thương, chịu khổ vì con… sẽ luôn là những cảm xúc đi theo chúng ta suốt cuộc đời. Tại trưng bày này, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ cố gắng thể hiện được những xúc cảm đồng điệu đó để chạm đến cảm xúc của người xem”, bà Nguyễn Thị Ngân nhấn mạnh.
Chủ đề “Tình mẫu tử qua khói lửa chiến tranh” cũng là một nội dung trọng tâm được khắc họa. Ở đó, hình ảnh mẹ với sự thuỷ chung, cam chịu và hi sinh, một mình gồng gánh nuôi con, lấy thân mình che chở cho con trong những phút giây hiểm nguy nhất… sẽ được khắc họa một cách chân thực. Bên cạnh đó là những nội dung diễn tả nỗi đau tột cùng của những người mẹ mất con, luôn khắc khoải đợi chờ có phép nhiệm mầu đưa những đứa con của mình trở về sau cuộc chiến…Khắc họa nội dung này là những hiện vật tạo không gian hồi ức về cuộc chiến, với những kỷ vật xưa cũ, những bức thư nhuốm màu thời gian, những hình ảnh về sự hi sinh thầm lặng của người mẹ, làm nền lànhững ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu thương của mẹ dành cho các chiến sĩ…
Cán bộ Bảo tàng đang hướng dẫn các em học sinh trải nghiệm thi nấu cơm niêu
Các chủ đề Chắp cánh ước mơ cuộc đời, Tình yêu của Mẹ dành cho Con, Tình yêu của Con dành cho Mẹ,Nuôi dưỡng ước mơ cho con, Mẫu hiếu cuộc đời… với nhiều hình ảnh, hiện vật và các trải nghiệm chân thực, sống động cũng hứa hẹn sẽ mang đến những ấn tượng ở cuộc trưng bày này.
Không có bài thơ, bài hát, bản nhạc hay câu nói nào ghi tạc được hết công lao, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, bởi bên mẹ luôn có sự chia sẻ của cha. Với sự “nông nổi giếng khơi”, cha sẽ cùng mẹ đi bên con, cổ vũ cho con suốt cả cuộc đời, dù có lúc thăng trầm vất vả, nhưng cái đích vuông - tròn cha mẹ luôn mong muốn dành tặng cho con.
“Trong xã hội hiện đại, cho con tình yêu thương là chưa đủ, bậc làm cha mẹ còn cần là những người dạy con các kiến thức để trưởng thành, những kỹ sống cần thiết. Trưng bày trải nghiệm “Mẹ - con, thơ, nhạc – cuộc đời” với nội dung đa dạng, phong phú sẽ truyền tải các vấn đề của xã hội truyền thống và đương đại, gửi gắm đến người xem nhiều thông điệp ý nghĩa, qua đógóp phầnvào việc giáo dục nhân cách, văn hóa, đạo đức cho mỗi con người…”, bà Nguyễn Thị Ngân khẳng định.
Sự kiện sẽ được khai mạc vào ngày 17/10 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên).
Hà Phương/ Ảnh: Vi Biên