Nhà dân tộc học người Pháp Giắc-cơ Đu-nê (Jacques Dournes) khi nói về vùng đất Tây Nguyên, có một câu bất hủ: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”.
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: LÝ HOÀNG LONG
Suốt hơn thế kỷ qua, biết bao người đã yêu Tây Nguyên theo cách riêng của mình và đã mong được hiểu, nhưng yêu nhiều mà hiểu vẫn chưa bao nhiêu. Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên mãi là dòng chảy bất tận và tồn tại trong những nghịch lý phát sinh cần giải quyết. Nhưng trước hết, cần một sự hiểu biết và một tình yêu đầy tôn trọng, chất chứa trong đó cả những ưu tư khi lý giải về sự biến đổi của không gian văn hóa đó theo tiến trình thời gian…
Huyền hoặc và nồng nàn
Tôi cũng yêu và cảm nhận Tây Nguyên theo cách của mình. Giống như nhiều người, vì yêu, nên cái nhìn về văn hóa bản địa ở vùng đất vốn nhiều bí ẩn này đôi lúc vẫn còn cảm tính. Bình tĩnh hơn, chợt nhận ra, có những điều phải kiểm chứng trong hoàn cảnh tự nhiên và xã hội đang có những biến động, dịch chuyển nhanh chóng. Một vùng văn hóa Tây Nguyên đã và đang có những đổi khác rất rõ ràng so với những gì mà các nhà nghiên cứu dân tộc học như Henri Maitre, Georges Condominas, Sabatier, Jacques Dournes rồi Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, Phan Đăng Nhật, Đặng Nghiêm Vạn, Tô Ngọc Thanh, Ngô Đức Thịnh… từng ấn định như những giá trị nguyên thủy bất biến.
Tôi đặt mình trong dòng tâm thức của những người con Tây Nguyên để được buồn vui cùng nỗi vui buồn của họ. Mỗi lần có dịp lang thang trên những nẻo đường rừng xưa núi cũ, về nơi những buôn làng heo hút, tít tắp mờ xa dưới chân Trường Sơn Nam, tâm hồn tôi lại ám ảnh với những ca từ huyền hoặc và giai điệu khắc khoải của ca khúc “Đi tìm lời ru mặt trời” của nhạc sĩ Yphôn K’sor: Một mình lang thang trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày. Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời… Với những giai điệu thuần chất Ê Đê ấy, Yphôn K’sor đã tự tình thay cho nỗi lòng của biết bao chàng trai, cô gái núi da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa. Họ, một thế hệ lớn lên trong những nỗi niềm băn khoăn.
Họ muốn được hát giữa mọi người không ngại ngần như khẳng định về sự tồn tại với thời cuộc hiện đại đang đổi thay từng ngày. Họ cũng đang tìm cách níu giữ những không gian, những khoảnh khắc huyền thoại. Họ muốn đổi thay và phát triển nhưng lại chưa biết tìm con đường nào để không đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không đánh mất những gì mà cha ông ngàn đời nay tích góp, lưu giữ như những di sản vô giá trước vòng quay nghiệt ngã của thời gian.
Những ca từ và giai điệu trong các tác phẩm của Yphôn K’sor, của Linh Nga Niê K’Đăm, của K’razăn Đich, K’razăn K’Plin… cứ cất lên thống thiết, cuồng nhiệt và thẳm sâu. Những thông điệp của niềm khát khao cần một sự sẻ chia, một lời giải đáp. Những đứa con của đại ngàn yêu biết bao những ngôi nhà dài, những bến nước xưa, những bức tượng nhà mồ đầy ma lực, tiếng chiêng khắc khoải đêm trường hay những đêm khan (loại hình hát kể sử thi) huyền hoặc giữa hai miền mơ thực.
Họ khao khát được đắm chìm trong ngôn ngữ tộc người, trong dòng chảy văn hóa của vùng đất mình đang sống. Tôi không hiểu nhiều về họ nhưng tôi hiểu nỗi âu lo của họ. Họ đi ra với thị thành, với rộng dài đất nước, tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau, tìm đến cái mới và thích nghi dần với đời sống hiện đại. Nhưng nơi họ trở về với chính tâm thức của mình vẫn là làng buôn, nương rẫy, núi rừng, với thiên nhiên bí ẩn mà gần gũi.
Đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn giữa những người đồng tộc, khi cần rượu trên chiếc chóe cổ ngấm men lúa mẹ nồng nàn vít xuống là lúc tiếng chiêng ngân lên những giai điệu thiết tha. Những chàng trai, cô gái Ê Đê, Ba Na, Mơ Nông, Mạ, Cơ Ho… uống dòng nước nguồn của những con sông K’rông Nô, K’rông Ana, Sê-rê-pốc, Đa Dâng, Đa Nhim không thể lớn lên, không thể vững vàng khi rời bỏ cội nguồn, xa lạ với không gian văn hóa mà ông cha đã dày công gìn giữ và bồi đắp.
Trong đôi mắt mầu nâu ánh lên giấc mơ trở về với những mùa suốt lúa thơ mộng ngày xưa. Đó là mùa cao nguyên trùng trùng những trận gió hoang dại. Miệng ngậm đọt lúa làm khèn Đinh Puốt, mắt nhìn rẫy lúa đầy những chiếc chong chóng mầu đang quay, vòng quay chầm chậm, tiếng quay buồn buồn. Tiếng lục lạc giục trâu thong thả về buôn. Tiếng đàn tre đẩy nước ngoài bến sông như kéo dài thêm dòng chảy của thời gian vĩnh cửu. Tiếng con chim Tia Chôm, con chim Phí bay về núi xa. Tiếng con nai, con hươu gọi bầy tha thiết.
Nghề dệt thổ cẩm ngày càng mai một, chủ yếu chỉ còn trong các buổi trình diễn.
Đừng để mai một theo thời gian
Miền ấy, miền mơ tưởng. Nó vẫn còn đó mà như đang dần rời xa. Những giá trị văn hóa cổ truyền đang đứng trước nguy cơ phai nhạt nhưng những người con Tây Nguyên vẫn mãi lưu tồn tình yêu với làng buôn. Vì sao văn hóa cổ truyền mai một? Lý do quan trọng nhất là bởi không gian thực hành văn hóa đang dần bị xâm hại, đó là: rừng và làng…
Làng ở Tây Nguyên (boom trong tiếng Mơ Nông, buôn trong tiếng Ê Đê, plai trong tiếng Gia Rai, veil trong tiếng Cơ Tu…) là một đơn vị cơ bản trong xã hội cổ truyền và còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay. Người ta thường nói, người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, thì tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng, thậm chí “tính làng” còn sâu đậm và cụ thể hơn cả ý thức tộc người. Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững và quy củ. Làng được điều hành bằng “hội đồng già làng”, là tập hợp những người hiền minh nhất của làng. Hội đồng già làng từng quản lý và điều hành mọi hoạt động của làng bằng một “hệ thống luật pháp” cổ truyền đặc biệt: luật tục. Cho đến nay, luật tục Tây Nguyên vẫn tồn tại song hành cùng luật pháp và những mặt tích cực vẫn được phát huy giá trị trong quản lý xã hội…
Làng Tây Nguyên là một kết cấu “làng rừng” - một không gian thực hành văn hóa và tín ngưỡng lý tưởng cho các tộc người, nó bao hàm: một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu và lợi ích, một cộng đồng tâm linh, một cộng đồng văn hóa. Nói khái quát, đó là một không gian văn hóa. UNESCO hết sức tinh tế khi không phải là công nhận “cồng chiêng” hay “âm nhạc cồng chiêng” là di sản Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, mà công nhận “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Không gian đó là rừng và làng. Có lẽ, họ hiểu rằng, khi không còn không gian thực hành đó nữa, văn hóa cồng chiêng cũng như những giá trị văn hóa quý giá khác sẽ khó có điều kiện bảo tồn, phát huy.
Rừng, với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, không chỉ là hệ sinh thái mà chính là cội nguồn của đời sống tâm linh. Trong thẳm sâu tâm hồn của họ, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng đối với rừng, họ coi cây rừng đúng như một sinh vật sống, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng vui sướng, hạnh phúc, khổ đau, cũng có linh hồn. Khi buộc phải chặt hạ một cây rừng cho nhu cầu thiết yếu, bao giờ người Tây Nguyên cũng ân cần làm lễ xin lỗi cây, tạ ơn rừng. Rừng là không gian sinh tồn, theo nhà dân tộc học G.Con-đô-mi-nát (Georges Condominas) còn là “không gian xã hội”, và là cội nguồn của tâm linh, phần sâu xa nhất của đời sống con người. Mất rừng thì con người và cộng đồng người mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất của mình, trở nên bơ vơ, tha hóa, mất gốc, mất cội nguồn. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng. Khi không còn rừng, tất yếu văn hóa rừng sẽ mai một và dẫn đến biến mất.
Rừng đang dần mất. Kết cấu làng có nguy cơ tan rã. Cơ cấu dân cư bị đảo lộn. Tập quán sống dựa vào rừng ít dần cùng với sự thay đổi phương thức canh tác. Đó là những nguy cơ có thể dẫn đến sự đổ vỡ văn hóa truyền thống bản địa Tây Nguyên. Khi nói đến văn hóa Tây Nguyên, người ta thường nói đến hệ thống các lễ hội, nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ…, là những thực hành văn hóa gắn chặt máu thịt với không gian rừng và thiết chế làng.
Không gian huyền thoại đang dần dần trở về với thời dĩ vãng. Những buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số không còn gì nhiều để phân biệt với nhau và với làng người Kinh. Họ ăn mặc như nhau và cũng giống người Kinh. Nhà khá giả thì xây biệt thự, đi làm rẫy bằng xe ô-tô, xe máy đời mới. Lễ hội các dân tộc cứ nhạt nhòa dần. Sinh hoạt truyền thống cộng đồng buôn làng cũng không còn mấy người quan tâm. Nước ngọt, bia lạnh thay cho rượu cần. Những bến nước nguồn thiêng không còn được sửa sang, chăm chút. Những nghệ nhân dân gian trong các buôn làng cũng dần dần ra đi và bỏ lại phía sau những khoảng trống không thể bù đắp. Sợi dây thắt chặt một cộng đồng văn hóa hình như đang lơi lỏng, tuột dần theo nhịp sống hiện đại. Người già ngậm tẩu ngồi im lìm bên bậc cầu thang mà lòng nao nao buồn nhớ tháng ngày đã xa. Lứa trẻ hoang mang, khó tìm đường theo cánh chim Phí bay về cội nguồn…
Người Tây Nguyên đang thật sự lo lắng khi phải chứng kiến những biến động theo chiều mai một dần của hệ thống giá trị văn hóa cổ truyền Tây Nguyên.
Bài và ảnh: UÔNG THÁI BIỂU