Tiên Phước, Quảng Nam: Triển vọng mới cho du lịch sinh thái

Cập nhật: 18/10/2017
Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” của huyện Tiên Phước được UBND tỉnh cho triển khai thực hiện đã mở ra một trang mới với nhiều triển vọng của du lịch sinh thái ở vùng quê Tiên Phước.

Các đoàn khách đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp tại làng cổ Lộc Yên, xóm Bàu (xã Tiên Cảnh) ngày càng nhiều

Xây dựng vùng lõi

Ngay sau khi có Quyết định 3150/QĐ-UBND của UBND tỉnh đồng ý thực hiện đề án “Phát triển kinh tế vườn, Kinh tế trang trại (KTV, KTTT), du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng” giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548) của huyện Tiên Phước, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện, đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với chủ nhân của các ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) về phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái theo Đề án 548.

Tại buổi gặp gỡ, các hộ dân có nhà cổ đã cam kết duy tu, bảo dưỡng, giữ lại các công trình nhà ở, bờ đá, giếng cổ và các cây cổ thụ để gìn giữ nét đẹp làng quê. Đồng thời mong muốn Nhà nước đầu tư, hỗ trợ một phần kinh phí giúp chỉnh trang vườn nhà, lối đi, cổng ngõ, phục dựng làng nghề, trùng tu nhà cổ... Các hộ dân cũng đề nghị huyện có phương án cụ thể, hướng dẫn tour du lịch bài bản để khách tham quan được đón tiếp chu đáo.

Ông Nguyễn Đình Hoan, chủ nhân ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến, cho hay: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ có nhà cổ ở làng Lộc Yên, hầu hết làm nông, bận rộn với công việc đồng án nên hằng ngày không thể ở nhà chờ khách đến tham quan. Do vậy, tôi nghĩ lâu dài huyện, xã phải có phương án, lịch đón tiếp cụ thể để thông báo cho chúng tôi chủ động trong việc đón tiếp khách du lịch, chứ thật sự nhiều đoàn khách ở xa đến tham quan nhà cổ nếu gặp lúc đóng cửa thì cũng không hay”.

Tiêu Tiên Phước là loại cây trồng đặc sản luôn được người dân lựa chọn để xây dựng vườn xanh sạch đẹp vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch.

Ông Hường Văn Minh cho biết, huyện đã lên phương án và chọn xã Tiên Cảnh và Tiên Châu làm điểm triển khai Đề án 548. Theo đó, bước đầu đã hình thành tour du lịch từ Nhà lưu niệm cụ Huỳnh đi vào ngõ đá xóm Bàu (thôn 2 Tiên Cảnh) và ghé vào làng cổ Lộc Yên - bãi đá Lò Thung. Người dân trên địa bàn huyện nói chung và người dân làng Lộc Yên nói riêng khi phát triển KTV, KTTT, du lịch đều được hưởng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, Lộc Yên được chọn là vùng lõi để phát triển du lịch sinh thái, nếu hộ dân nào chất bờ đá, giếng đá, đào ao thả cá, giữ cây lưu niên, trồng hàng rào chè tàu… đều được hưởng cơ chế hỗ trợ cao hơn so với mức trung bình chung của huyện. Đối với việc phát triển du lịch, đón khách tham quan, huyện chỉ đạo cho xã Tiên Cảnh hướng dẫn bà con có nhà cổ và các hộ dân ngõ đá xóm Bàu liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch, dịch vụ. Khi HTX ra đời, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn cách thức làm du lịch, còn bà con là người đóng vai trò chủ thể trong việc đón khách, hướng dẫn khách tham quan, phát triển hoạt động du lịch, dịch vụ…

Nhiều hộ dân ở làng cổ Lộc Yên trong những năm qua cũng đã đầu tư chăm sóc vườn, xây dựng ngõ đá, trồng bờ rào chè tàu, đào ao nuôi cá... vừa tạo nên vẻ đẹp nên thơ của làng quê yên bình, vừa đảm bảo phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu như vườn nhà của các ông Đồng Viết Mão, Nguyễn Đình Hào, Nguyễn Đình Hoan, Trần Văn Toàn, Võ Chút, Hồ Đức Bộ…

Hiện trên địa bàn huyện Tiên Phước có hơn 100 di tích, danh thắng có giá trị phát triển các loại hình du lịch. Trong đó, làng Lộc Yên có hơn 10 ngôi nhà cổ có niên đại trên 150 năm tuổi, thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện các tour du lịch đến tham quan, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở với người dân địa phương. Trong 9 tháng đầu đầu năm 2017, toàn huyện đón gần 11 nghìn lượt khách đến tham quan các danh thắng. Các điểm thu hút nhiều du khách như Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, làng cổ Lộc Yên, bãi đá Lò Thung, thác Ồ Ồ…

Triển khai đại trà

Ngày 29.8.2017 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký Quyết định số 3150/QĐ-UBND, ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU cuả Tỉnh ủy (Khóa XXI) về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam. Trong đó, có Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng” giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548) của huyện Tiên Phước. Trên cơ sở đó, mỗi năm huyện Tiên Phước được tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện Đề án 548.

Những năm gần đây mô hình nuôi chim trĩ của anh Trần Minh Thiệp ở tại thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm trở nên nổi tiếng bởi tính mới, lạ. Chim trĩ ăn ít lại có thời gian trưởng thành nhanh, ngoại hình đẹp, giá thành cao và ổn định nên mô hình của anh Thiệp phát huy hiệu quả khá tốt. Từ thành công bước đầu, cùng với sự hỗ trợ, động viên tích cực của chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp, vợ chồng anh mạnh dạn thực hiện ý tưởng mới, đầy táo bạo, đó là phát huy tính mới lạ của loài chim trĩ phục vụ tham quan, du lịch.

Anh Thiệp chia sẻ: “Hiện nay với đàn chim trĩ gần 1.000 con, đầu ra khá tốt nhưng để tạo điểm nhấn mang tính bền vững và góp phần cùng với huyện, xã phát triển du lịch, vợ chồng tôi quyết định nâng cấp mô hình thành điểm tham quan, du lịch sinh thái, ẩm thực”. Hiện anh đang đầu tư vốn liếng, mở rộng chuồng trại và tận dụng các tảng đá nằm rải rác trong khu vườn xây dựng lồng trưng bày chim trĩ trưởng thành phục vụ tham quan, xây dựng khu ẩm thực từ sản phẩm chim trĩ nằm sát con suối cạnh khu vườn nhà. Bên cạnh đó, anh còn trồng mới hơn 200 choái tiêu Tiên Phước để phát triển mô hình thành khu du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan, thưởng thức các sản phẩm từ chim trĩ.

Tiếp giáp với xã Tiên Cẩm là xã Tiên Hà. Hiện nay, đường sá ở xã Tiên Hà đã được đầu tư xây dựng cơ bản, kết nối với các vùng phụ cận, thuân lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đi các nơi khác. Ở Tiên Hà, ngoài các vườn tiêu trăm choái, người dân nơi đây còn trồng các loại cây ăn quả với số lượng lớn, đơn cử như thôn Tiên Tráng có 120/150 hộ trồng cam. Người trồng nhiều cam nhất là ông Phan Văn Hội. Ngoài ra, anh Đoàn Hồng Khuyên ở thôn Phú Vinh đã mở rộng 6 cơ sở sản xuất phù chúc trên địa bàn, không những giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, mà còn tạo điểm nhấn làng nghề ở vùng quê hữu tình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hà cho biết: “Tiếp nhận thông tin về Đề án 548 của huyện đã được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2017 - 2020, chúng tôi hết sức phấn khởi, coi đây là cú hích để xã khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung cơ bản của đề án đến với người dân và xác định rõ lộ trình, đầu việc cụ thể để có thể triển khai thực hiện được ngay sau khi huyện triển khai đề án”.

Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Trước khi xây dựng Đề án 548, huyện cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong quá trình xây dựng đề án, huyện có sự chuẩn bị chu đáo từ công tác khảo sát, đối thoại với nhân dân, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các ngành chuyên môn của tỉnh nên khi đề án được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 với mức hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm, huyện có những thuận lợi cơ bản trong việc triển khai thực hiện đồng loạt do có sự đồng thuận cao của các ngành, địa phương và nhân dân”.

Cũng theo ông Phụng, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 3150/QĐ-UBND, huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt tạo nhận thức trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện vào cuối tháng 10 này. Qua đó, hướng dẫn cho các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai nội dung đề án sâu rộng, sát thực tế, tổ chức cho nhân dân đăng ký nhu cầu và ký cam kết thực hiện ngay trong năm 2017.

PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG

Nguồn: Báo Quảng Nam