Nhân dịp chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017, sáng 10/11, tại TP Hội An đã diễn ra lễ tiếp nhận mô hình Châu Ấn thuyền do tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) trao tặng và sẽ chính thức đưa vào hoạt động “Không gian văn hóa Việt Nam-Nhật Bản” từ chiều 11/11.
Châu Ấn thuyền là loại thuyền buôn có trang bị vũ khí được sử dụng phổ biến từ thế kỷ 17 dưới thời Mạc phủ
“Không gian văn hóa Việt Nam-Nhật Bản” là hoạt động hướng đến các sự kiện chào mừng APEC Việt Nam 2017, kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2018) và tiếp tục chủ trương xây dựng đề án nhằm vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai vùng đất.
Không gian văn hóa Việt Nam-Nhật Bản sẽ kéo dài trên toàn bộ tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu. Tại đây sẽ thường xuyên diễn ra các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như: trưng bày tư liệu lịch sử, kết quả khảo cổ học về giao thương và mối quan hệ của phố Nhật ở Hội An thế kỷ 17; trình diễn trà đạo Nhật Bản, trình diễn thư pháp, thả hoa đăng Nhật Bản…
Điểm nhấn của sự kiện là lễ tiếp nhận mô hình Châu Ấn - con thuyền đã đưa Công Nữ Ngọc Hoa về quê chồng do chính quyền và nhân dân tỉnh Nagasaki trao tặng và màn tái hiện đám cưới của Công Nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro cùng sự hiện diện của hậu duệ hai vị.
Ông Miyawaki Masatoshi - Chủ tịch Ủy ban điều hành dự án Châu Ấn thuyền - cho biết, giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có mối quan hệ bang giao từ hơn 400 năm trước, là mối quan hệ hữu nghị bền chặt. Và mô hình Châu Ấn thuyền được trao tặng lần này đã được phục chế, trưng bày trong bảo tàng tại Nagasaki từ rất lâu, nhận được sự yêu thích của người dân và du khách.
Sự kiện trao tặng Châu Ấn thuyền là bước đánh dấu quan trọng trong mối ban giao giữa Hội An và Nagasaki
“Chúng tôi đã sửa chữa lại nhiều phần như về trọng lượng, lắp thêm bánh xe để có thể di chuyển dễ dàng hơn. Sự kiện lần này đã đánh dấu bước phát triển hơn trong quan hệ giữa hai bên, là cơ hội cho sự hợp tác lâu dài sau này”, ông Miyawaki Masatoshi phát biểu.
Mô hình được tiếp nhận là phiên bản từ Châu Ấn thuyền - loại thuyền buôn được chính quyền Nhật Bản vào thế kỷ 17,18 cho phép thương nhân Nhật giao thương buôn bán với bên ngoài, trong đó có Việt Nam.
Trong lịch sử, loại thuyền buôn này đã nhiều lần đến nuôn bán tại cảng thị Hội An. “Thời đại Châu Ấn thuyền” đã đánh dấu một nét rất đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản-thời những tàu nào có mang giấy phép đóng dấu đỏ của Mạc phủ Tokugawa mới được phép đi ra nước ngoài buôn bán. Các tàu nước ngoài muốn đến Nhật để buôn bán cũng cần phải có giấy phép Mạc phủ. Cùng với sự củng cố của chính quyền Mạc phủ, mối giao lưu giữa Nhật và Việt ngày càng phát triển với chính sách mở cửa của hai bên.
Viện nghiên cứu Quốc tế- Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã thống kê được 71 chiếc thuyền đóng ấn son của Mạc phủ cập bến Hội An, kể từ khi Chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong đặt quan hệ với Tokugawa-Nhật Bản (năm 1601) cho đến lúc Mạc phủ Tokugawa ra lệnh bế quan tỏa cảng (năm 1635).
Mô hình Châu Ấn thuyền được chính quyền tỉnh Nagasaki trao tặng cho Hội An đã được phục chế và trưng bày trong Bảo tàng Nagasaki từ nhiều năm qua còn ghi dấu công nương nước Việt theo chồng về xứ lạ, dệt nên câu chuyện tình đầy cảm động giữa Công Nữ Ngọc Hoa, nghĩa nữ của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và thương gia Nhật Bản- Araki Sotaro.
Đây là trường hợp đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và đưa cô dâu là con của nhà vua về Nhật Bản
Nàng được cư dân Nagasaki thời đó yêu mến và gọi là Anio-san. Phong thái tuyệt đẹp của nàng Wakaku Tome (Công Nữ Ngọc Hoa) khi được rước trên kiệu về nhà chồng ngày nay có thể được chiêm ngưỡng trong màn múa cúng thần tại lễ Hội Okunchi của Nagasaki (tổ chức từ ngày 7-9 tháng 10 hằng năm).
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch TP Hội An - cho biết: “Hội An là mảnh đất tiếp biến, giao lưu văn hóa với nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Sự kiện lần này đã đánh dấu mối giao hảo về chính trị giữa Hội An và Nagasaki. Đám cưới của Công Nữ Ngọc Hoa cùng thương nhân Nhật Araki Sotaro là đám cưới mang tính quan trọng, đánh dấu bước hợp tác ban giao bền chặt. Hiện nay, tại Nagasaki vẫn tổ chức kỷ niệm về đám cưới mang tính lịch sử này. Con thuyền là món quà vô giá, đại diện tình hữu nghị giữa hai bên”.
N.Linh