Để thiết thực chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2017, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tổ chức “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” diễn ra từ ngày 21/11/2017 - 23/11/2017 tại Hà Nội.
Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là di sản thiên nhiên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với người dân, du khách trong và ngoài nước. Nhân sự kiện này, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng chương trình, kế hoạch tham gia trưng bày, triển lãm Không gian Di sản thiên nhiên - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang.
Đầm bông súng
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận ngày 27/10/2006, với tổng diện tích 1.188.106 ha, là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam. Khu vực bao gồm phần đất liền, biển và hải đảo thuộc địa bàn 10 huyện, thị của tỉnh Kiên Giang. Đó là các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên.
Trong đó vùng lõi có diện tích là 36.936 ha, bao gồm Vườn Quốc gia U Minh Thượng; Vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc; Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông và đai rừng ngập mặn ven biển Tây. Vùng đệm có diện tích 172.587ha và vùng chuyển tiếp với diện tích 978.592 ha.
Nơi đây có các giá trị nổi bậc gồm 7 hệ sinh thái và 22 sinh cảnh đặc trưng, trong đó nổi bậc là các hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái cây lá rộng thường xanh, hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái đồng cỏ, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển…Các hệ sinh thái này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với con người, đặc biệt là trong việc duy trì, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái nơi đây, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Ngoài ra, nơi đây còn có hệ động thực vật rất phong phú và đa dạng với trên 2.407 loài. Trong đó, 1.494 loài thực vật với 118 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ và 60 loài đặc hữu; khoảng 913 loài động vật với 95 loài quý hiếm, trong đó có 57 loài đặc hữu.
Về giá trị văn hóa - lịch sử, hiện nay trong khu vực Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang còn có trên 160 di tích, trong đó có 52 di tích được xếp hạng với 1 khu di tích quốc gia hạng đặc biệt, 21 di tích cấp gia và 30 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 389 lễ hội, trong đó 91 lễ hội dân gian, 235 lễ hội tôn giáo, 62 lễ hội lịch sử cách mạng và 1 lễ hội khác của cả người Kinh, Hoa, Khơmer
Cò trắng U Minh
Theo Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, thời gian qua, đầu tư trong khu dự trữ sinh quyển khá lớn từ ngân sách nhà nước, tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh tỉnh Kiên Giang với bạn bè thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11,6%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7% hiện nay. Các lĩnh vực, ngành nghề du lịch, nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp…mang lại những giá trị kinh tế to lớn. Những hoạt động kinh tế trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang đã mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, bảo tồn các giá trị tự nhiên và đảm bảo chất lượng môi trường.
Cụ thể là mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, lặn biển, giáo dục môi trường, du lịch hội thảo sự kiện. Hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Quy hoạch phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, ít ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, gia tăng giá trị sản phẩm. Chuyển giao ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập, tạo sinh kế mới cho cộng đồng dân cư. Thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Song song với đó, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang cũng đã xây dựng và tăng cường mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học, bảo tồn trong nước và quốc tế. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang còn là trọng điểm nghiên cứu khoa học của hầu hết các Viện nghiên cứu, Trường đại học không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới, tập trung vào các nghiên cứu tài nguyên, môi trường, bảo vệ đa dang sinh học.
Trần Linh