Gieo Rừng cùng WWF-Việt Nam

Cập nhật: 23/11/2017
Bạn đang quan tâm đến tương lai ngành gỗ Việt Nam và những cánh rừng bền vững? Bạn có thời gian cuối tuần dành cho gia đình và giáo dục môi trường cho con cái đang là một trong những ưu tiên của bạn? Hay đơn giản bạn là dân marcom đang tìm kiếm ý tưởng truyền thông sáng tạo?

Vậy còn chần chừ gì mà không đến Gieo Rừng? Ở đó có những câu chuyện chuyên gia và cả những sáng kiến đời thực về quản lý rừng bền vững. Có sự thú vị và đầy ắp tiếng cười của một chuyến đi vãi hạt trồng rừng cùng với những trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (Augumented reality). Và thứ bạn mang về nhà là kiến thức về rừng mà ngay ngày mai có thể áp dụng kèm theo những bức ảnh, những đoạn video truyền cảm hứng mà nhân vật chính không ai khác ngoài bạn.

Gieo Rừng là một lời nhắc. Nó nhắc nhở chúng ta hãy suy xét về nguồn gốc của đồ gỗ, của giấy, của các sản phẩm làm từ cây hiện hữu quanh ta hàng ngày. Có bao giờ bạn tự hỏi: Đồ gỗ, sổ, sách, truyện mà chúng ta dùng có nguồn gốc từ đâu? Nó đến từ những lô gỗ lậu nhập khẩu, từ những cây gỗ bị đốn trộm hay từ những cánh rừng được quản lý bền vững? Việc chúng ta tiêu thụ những sản phẩm từ gỗ này đang phá hủy đi ngôi nhà của các loài thú hoang dã hay góp phần cải thiện điều kiện làm việc và an sinh xã hội cho những người công nhân làm việc trong ngành gỗ, của những cộng đồng dân sống quanh rừng, bảo vệ sinh cảnh của những loài thú hoang dã?

Và Gieo Rừng cũng là một giải pháp. Nó cho chúng ta biết rằng, chọn các sản phẩm được khai thác từ những cánh rừng được quản lý bền vững là chúng ta đang cổ vũ và tạo cơ hội cho một ngành gỗ phát triển bền vững, có uy tín trên thị trường quốc tế, và sự thịnh vượng lâu dài cho chính những ngôi nhà Việt.

Ngoài việc là một quốc gia có truyền thống sử dụng gỗ lâu đời, Việt Nam còn là một nước xuất khẩu gỗ và đồ nội thất. Trong khi tại thị trường trong nước, chúng ta chưa quan tâm đến nguồn gốc gỗ, thì muốn đến được các thị trường nước ngoài uy tín, sản phẩm xuất khẩu phải đạt chứng chỉ bền vững quốc tế. Các quy chuẩn khắt khe đã được qui định nhằm bảo tồn và bảo vệ các cánh rừng, dù là rừng tự nhiên hay rừng trồng, góp phần cải thiện đời sống và sinh kế cho người dân sống xung quanh rừng và người lao động.  Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu tới năm 2020, phấn đấu có 500.000 ha rừng trồng tại Việt Nam đạt chứng chỉ gỗ bền vững.

Anh Lê Thiện Đức, Điều phối viên Chương trình Rừng của WWF-Việt Nam cho biết: “Có nhiều nguyên nhân lý giải về việc đồ gỗ có chứng chỉ chưa phổ biến tại thị trường Việt Nam. Nhưng một trong những nguyên nhân chính là người dân chưa biết tới khái niệm gỗ bền vững (hay còn gọi là gỗ xanh) cũng như chưa hiểu được mối liên hệ giữa sản phẩm với các yếu tố môi trường và xã hội. WWF chúng tôi muốn thay đổi điều này.”

“Mặc dù giá thành sản phẩm làm từ loại gỗ có chứng chỉ có thể cao hơn gỗ thông thường từ 12% - 17%, nhưng quy trình hệ thống quản lý rừng và chế biến nghiêm ngặt theo quy chuẩn quốc tế sẽ giúp cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt cho sức khoẻ, thân thiện với môi trường và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Với hiện trạng môi trường đang ngày càng suy thoái, sẽ cần có thêm nhiều hành động tiêu dùng có trách nhiệm của người dân. WWF-Viêt Nam tin ở sự chuyển biến này,” anh Đức nói.

Triển lãm Gieo Rừng của WWF-Việt Nam sẽ mở cửa từ thứ tư đến hết chủ nhật tuần này (ngày 23 đến 26 tháng 11) tại Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất lớn nhất Việt Nam, VIFA Home, nhà thi đấu TDTT Phú thọ số 11 Lữ Gia, phường 15, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: WWF-Việt Nam