29 triệu USD giúp cộng đồng ven biển chống chịu biến đổi khí hậu

Cập nhật: 27/11/2017
Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ, được thực hiện sau buổi Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, diễn ra tại Hà Nội, ngày 24-11.

 

Sự kiện này tiếp nối phiên họp kỹ thuật hai ngày, giúp các đại biểu tham dự hiểu hơn mục tiêu, kết quả kỳ vọng của dự án và xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể trong năm năm tới.

Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng ven biển Việt Nam dễ bị tổn thương bởi tác động biến đổi khí hậu” được xây dựng thông qua mối quan hệ đối tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và bảy tỉnh ven biển (Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau).

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Với nguồn lực sẵn có của quốc gia và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư kinh phí cho các chương trình, nhằm cải thiện khả năng chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu của cộng đồng. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, qua cơn bão số 12, cùng với những tác động bất thường của biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cộng đồng ven biển là những đối tượng rất dễ bị tổn thương”.

Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Cơn bão số 12 (Damrey) đã khiến 100 người thiệt mạng, phá hủy hơn ba nghìn căn nhà và đe dọa tính mạng của hơn bốn triệu người dân, chủ yếu là người dân sống tại các vùng ven biển Việt Nam. Những con số này thôi thúc chúng ta phải hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Dự án này phù hợp và kịp thời bởi đã ứng dụng phương pháp tổng hợp, lấy yếu tố con người làm trọng tâm, nhằm xây dựng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương”.

Dự án được xây dựng rất phù hợp và kịp thời dựa trên đà tích cực từ Hội nghị công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu giữa các bên gần đây (COP 23) và phong trào toàn cầu nhằm đưa hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành hoạt động trung tâm nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Với giá trị tài trợ hơn 29 triệu USD, dự án UNDP - GCF kỳ vọng sẽ tạo ra tác động chuyển đổi mạnh mẽ thông qua việc áp dụng và nhân rộng các phương pháp thành công đã được kiểm chứng, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bằng cách tăng khả năng tiếp cận nhà ở an toàn chống bão, củng cố vùng đệm rừng ngập mặn và cải thiện việc tiếp cận nguồn thông tin có chất lượng về rủi ro biến đổi khí hậu.

P.T
Nguồn: NDĐT